BẠCH THÔNG PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ TRẬN CÔNG ĐỒN

0

Đã 75 năm trôi qua, trận công đồn Phủ Thông vẫn là dấu ấn không thể mờ phai trong trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Đồn Phủ Thông thuộc địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, gần Quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng và đường tỉnh lộ 258 từ Phủ Thông đi Chợ Rã, huyện Ba Bể. Để bám giữ thị xã Bắc Kạn, thực dân Pháp xây dựng Đồn Phủ Thông thành cứ điểm vững chắc nhằm cố thủ, kiểm soát đường số 3. Toàn bộ khu vực này là núi đất có độ cao từ 300 m đến 400 m. Đồn Phủ Thông có hình chữ nhật dài 100 m, rộng 50 m, tường bao quanh được làm bằng đất nện dày 1 m, cao 2 m. Ngoài tường còn có 3 lớp rào tre, nứa, mỗi lớp cách nhau 3 đến 4 m, riêng phía Nam có 1 hàng rào dây thép gai. Đồn Phủ Thông do 1 đại đội bộ binh và 1 trung đội trợ chiến đồn trú với quân số khoảng 150 tên thuộc Trung đoàn 3 Lê dương Pháp được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài. Hằng ngày, địch tổ chức tuần tra rất nghiêm ngặt, mỗi ngày luôn có 2 – 3 tổ tuần tra dọc đường số 3 và đường đi Chợ Rã. Ban đêm, chúng tổ chức canh gác ở 4 lô cốt, cổng ra vào có trạm gác và đài quan sát… Với điều kiện và tình hình lúc bấy giờ, Đồn Phủ Thông là một cứ điểm mạnh của địch, có lực lượng tinh nhuệ, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố.

Tháng 7/1948, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch đường số 3 nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực lớn của địch. Tiểu đoàn 11 vinh dự nhận nhiệm vụ đánh Đồn Phủ Thông. Vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 25/7/1948, quân ta tấn công đồn, địch bị bất ngờ, hoang mang, không kịp đối phó. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, các đơn vị xung kích được sự yểm trợ của pháo binh, trợ chiến đã dũng cảm vượt qua công sự, vật cản kiên cố, hỏa lực mạnh đè bẹp sự kháng cự quyết liệt của lính Lê Dương tinh nhuệ, tiêu diệt đại bộ phận quân địch… Trận đánh Đồn Phủ Thông tuy bộ đội ta gặp phải những tổn thất nhất định, nhưng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch, buộc quân xâm lược Pháp phải rút chạy khỏi Bắc Kạn.

Trận đánh là bước phát triển mới về chiến thuật quân sự, là trận cường tập tiêu diệt cứ điểm đầu tiên của quân đội ta. Trong thư gửi Tiểu đoàn nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Phủ Thông, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “… chiến thắng Phủ Thông đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm, có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên đường đánh công kiên, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ…”. Với ý nghĩa đó, trận đánh Đồn Phủ Thông đã được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

Ngày 23/7/1998, Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày 01/6/1999, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân thị trấn Phủ Thông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đồn Phủ Thông

Trải qua 75 năm, trận công Đồn Phủ Thông vẫn còn vang mãi, đi vào lịch sử như một niềm tự hào của của dân tộc, quê hương. Ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bạch Thông tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, xứng đáng với truyền thống của quê hương anh hùng. 75 năm chiến thắng đồn thù nơi phố phủ năm xưa giờ như đã không còn vết tích những đau thương ngày quân thù giầy xéo quê hương, giết người cướp của phá hoại đất nước đã được Đảng bộ và Nhân dân huyện Bạch Thông xóa mờ đi bằng những thành tựu phát triển trên bước đường công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tháng 9/1988 huyện Bạch Thông chia tách làm 2 huyện Bạch Thông và Chợ Mới, từ đó đến nay Bạch Thông có 14 đơn vị hành chính, thị trấn Phủ Thông nơi đã diễn ra trân công đồn oanh liệt đêm ngày 25/7/1948 trở thành trung tâm huyện lỵ

TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI, GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Xác định vị trí quan trọng của kinh tế nông lâm nghiệp có nhiều thuận lợi về đất đai khí hậu. Đảng bộ huyện Bạch Thông đã tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành tích cực xây dựng địa phương trở thành địa bàn sản xuất lúa, rau, hoa trái cung cấp cho thị trường thành phố Bắc Kạn, huyện Bạch Thông và một số địa phương lân cận. Bên cạnh đó Đảng bộ huyện Bạch Thông đã xác định 02 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 – 2025; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương giai đoạn 2020 – 2025. Thực hiện 02 nhiệm vụ trên, huyện Bạch Thông đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ trồng mới 500ha cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt; thâm canh, cải tạo 300ha quýt theo hướng hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; trồng mới 200ha hồi, nâng tổng diện tích hồi lên 600ha, tạo thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa sản lượng hàng nghìn tấn mỗi năm. Từ đó các nhiệm vụ trọng tâm đã được huyện tổ chức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm: Vùng sản xuất cam, quýt tại các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong; vùng cây dược liệu lâu năm tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn. Đến nay, diện tích trồng hồi của địa phương đạt khoảng 500ha. Toàn huyện hiện có 1.271ha quýt, cây cam hiện có 403ha, trong đó trồng mới gần 156ha. Triển khai nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục và đào tạo nghề phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, Bạch Thông đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 01/10/2020 về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020 – 2025. Trên cơ sở đó, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, gắn mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Với các giải pháp đồng bộ, ưu tiên lồng ghép các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng được nâng lên…An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các lĩnh vực khác cũng đạt kết quả đáng ghi nhận, đời sống của Nhân dân được nâng lên. Những thành quả trên là động lực để huyện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.

 Cây cam, quýt là cây trồng chủ lực của địa phương

Quốc lộ 3 xưa đồn thù giăng mắc nay quốc lộ 3 trở thành trục giao thông huyết mạch tạo điều kiện cho Bạch Thông phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ, cùng với những chuyển biến trên lĩnh vực kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục trên địa bàn huyện cũng đã có những đổi khác rất nhiều. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được Đảng bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đảng bộ huyện Bạch Thông nhiều năm liên đạt danh hiệu đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân được các cấp ngành khen tặng về những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Đồng chí  Đỗ Thị Hiền –  Tỉnh ủy viên, Bí Thư Huyện ủy cho biết: Để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới huyện xác định tập trung cao độ vào lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội trong đó: Tiếp tục nâng cao giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp để có được nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bằng các sản phẩm chủ lực có liên kết bền vững, đi theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống của huyện như cam, quýt, hồi, lúa hàng hóa và sản phẩm rau, củ quả. Bổ xung định hướng về phát triển du lịch và xây dựng đề án phát triển du lịch của huyện đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 dựa trên ba tiềm năng đó là du lịch lịch sử, với Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông và Di tích lịch sử Đèo Giàng kết hợp với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng.Tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp , tập trung vào chế biến gỗ rừng trồng và các  sản phẩm lâm nghiệp để khai thác lợi thế từ lâm nghiệp để khai thác lợi thế từ kinh tế rừng và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương…”

75 năm về trước rất nhiều tuổi 20 từ mọi miền quy tụ về Phủ Thông để làm nên chiến công lịch sử viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc không ai khác phải chính  là những tuổi 20 trên mảnh đất thiêng đã thấm máu đào của các anh hùng, liệt sỹ Tiểu đoàn Phủ Thông là cánh tay phải đắc lực của Đảng là lực lượng tiên phong trên mọi mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuổi trẻ Bạch Thông đã và đang có những hoạt động thực sự có ý nghĩa đối với cộng đồng xã hội, với quê hương, đất nước, phong trào xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng đã được tuổi trẻ Bạch Thông cụ thể hóa bằng các hoạt động tình nguyện tại chỗ, hướng hoạt động về cơ sở, giúp công lao động, làm nhà tình nghĩa xây dựng các công trình, phần việc thanh niên… Vinh dự được sinh hoạt học tập và rèn luyện trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Tuổi trẻ Bạch Thông đã rất chú trọng công tác giáo dục truyền thống, chăm sóc, dạy dỗ thiếu niên, nhi đồng. Đồng chí Hoàng Thị Hạ – Phó Bí thư Đoàn huyện Bạch Thông chia sẻ:  “Có thể thấy, những hoạt động sôi nổi, ý nghĩa mà tuổi trẻ Bạch Thông thực hiện đã khẳng định sức trẻ xung kích, tình nguyện, năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong những việc khó, việc mới. Các hoạt động vì cộng đồng không chỉ thu hút đông đảo cán bộ, Đoàn viên thanh niên tham gia mà còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực. Đồng thời, khắc ghi hình ảnh đẹp của tuổi trẻ sẵn sàng cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết, góp phần xây dựng quê hương. Phát huy những kết quả đó, thời gian tới, các tổ chức Đoàn trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục phát động các chương trình thiết thực để có thêm nhiều hoạt động bổ ích, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên; đẩy mạnh các phong trào thi đua, hướng mạnh về cơ sở gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương”.

 Tuổi trẻ Bạch Thông khẳng định sức trẻ xung kích, tình nguyện vì cộng đồng

Sau 75 năm với bao thăng trầm cùng lịch sử huyện Bạch Thông hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Ngày mai Bạch Thông và các huyện thành phố trong tỉnh sẽ còn biết bao biến chuyển thế nhưng di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, những tấm bia khắc ghi công ơn những chiến sỹ đã hy sinh vì đất nước tại Phủ Thông sẽ mãi còn được gìn giữ trong sự trân trọng biết ơn của những lớp hậu sinh mang trong mình dòng máu con lạc, cháu hồng, cũng như quân đội nhân dân Việt Nam các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Phủ Thông mãi còn nhắc nhở về nơi ghi dấu bước trưởng thành  trong truyền thống của tiểu đoàn Phủ Thông nơi khẳng định sức mạnh với chiến thuật đánh cứ điểm có công sự kiên cố của Quân đội nhân dân Việt Nam./.

Đào Kiên