XÂY DỰNG HỢP TÁC XÃ TẠI XÃ VŨ MUỘN

Thời gian qua các mô hình kinh tế tập thể góp phần thay đổi tập quán canh tác, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa là một hướng đi đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc làm sao để phát huy thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia của người dân cũng như việc duy trì hiệu quả hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác đã có là một vấn đề không hề dễ dàng nhất là đối với một xã vùng cao như xã Vũ Muộn.

 Mô hình trồng chanh leo HTX Tiến Thành quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ

Với lợi thế đồi núi chiếm phần đa diện tích, nguồn thức ăn chăn nuôi dồi dào nên người dân xã Vũ Muộn, đã đặc biệt chú trọng việc chăn nuôi các loại gia súc theo như: trâu, bò, dê. Năm 2016, từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và hội nông dân huyện, xã đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê với sự tham gia của 5 thành viên, và nguồn vốn ban đầu là 50 triệu đồng. Tổ hợp tác được kỳ vọng sẽ từng bước phát huy lợi thế, mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển thành hợp tác xã. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm tổ tác xã đã ngừng hoạt động. Qua tìm hiểu được biết, tổ hợp tác không thể tiếp tục duy trì do không tìm được đầu ra ổn định của sản phẩm, giá cả bán xuống thấp trong khi kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc cho đàn vật nuôi cũng chưa được các thành viên nắm bắt. Ông Đinh Quang Cảm – Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: Trước đây xã xác định thế mạnh của địa phương là phát triển chăn nuôi, trong đó chăn nuôi dê được nhiều hộ dân chú trọng, đàn dê phát triển tốt, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm nên có giai đoạn dê bị bệnh nhiều, suy giảm đàn nhanh, ảnh hưởng đến tâm lý. Hiện nay chỉ còn một hộ duy trì chăn nuôi, các hộ khác thấy không hiệu quả cũng không tham gia nữa.

Với mục tiêu phấn đấu có ít nhấp 1 hợp tác xã, đáp ứng tiêu chí về tổ chức sản xuất của thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2018 xã Vũ Muộn tiếp tục thành lập hợp tác xã Tiến Thành. Mặc dù đăng ký hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhưng hiện nay hợp tác xã mới chỉ có duy nhất 1 mô hình trồng chanh leo với diện tích hơn 4ha. Số thành viên tham gia HTX cũng mới chỉ có 7 hộ gia đình. Mô hình trồng cây chanh leo do hợp tác xã phối hợp với Công ty Cổ phần NaFoods Tây Bắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phối hợp thực hiện. Mô hình có với hợp đồng bao tiêu cam kết thu mua quả, tuy nhiên giá cả cũng chỉ được ghi mua theo giá thị trường. Đến thời điểm này, hợp tác xã cũng chưa có thêm phương án phát triển nào trong những năm tiếp theo. Ông Hứa Văn Ít, Giám đốc HTX Tiến Thành cho biết: So với cây khác thì có vẻ có thuận lợi hơn vì trồng 1 năm có thể duy trì được 3 năm nên hợp tác xã quyết định cùng nhau đưa cây chanh leo vào trồng trước. Định hướng của HTX cũng có định hướng là phát triển cây chanh, tuy nhiên hợp tác xã cần sự quan tâm của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

 Được kỳ vọng nhưng HTX chăn nuôi dê xã Vũ Muộn phải ngừng hoạt động do thiếu kiến thức KHKT

Thực tế cho thấy không chỉ có xã Vũ Muộn mà tại nhiều địa phương trong huyện có rất nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác xã còn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên. Để các HTX, tổ hợp tác có thể thành lập và duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả cũng rất cần chú trọng các một số vấn đề như: Trình độ sản xuất, quản lý HTX, tổ hợp tác, Tinh thần tự nguyện, điều kiện kinh tế tương đồng của các thành viên; Sự liên kết và một tổ chức có tư cách pháp nhân để thực hiện các giao dịch, ký kết hợp đồng thu mua, bán sản phẩm, có sự liên kết sản xuất. Cùng với đó là sự vào cuộc từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương ở cơ sở để kịp thời tìm cách  tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong thời gian mới thành lập./.