Bằng nhiều các giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhiều năm qua xã Đôn Phong đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm, xã Đôn Phong đã họp bàn, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các thôn ngay từ đầu năm. Hàng năm, xã tiến hành khảo sát thực trạng tình hình đời sống và những thuận lợi, khó khăn về nhu cầu vốn, học nghề, việc làm. Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi được địa phương xây dựng kế hoạch và tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, các vấn đề có liên quan đến lợi ích của người nghèo và những mong muốn thoát nghèo được quan tâm giải quyết, thông qua xây dựng kế hoạch với những chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng.

Hội thảo đánh giá trồng rau sạch
Năm 2023, để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có thêm sinh kế để ổn định cuộc sống, xã Đôn Phong đã xây dựng mô hình trồng rau sạch; trồng nấm và chăn nuôi gà bản địa sinh sản tại các thôn thôn Bản Đán, Nà Váng, Nà Pán và Bản Chiêng. Các mô hình có sự tham gia của 32 hộ, sau hơn 4 tháng thực hiện dự án đã cho thấy năng suất đạt hiệu quả đã giúp bà con cải thiện về đời sống kinh tế và tăng thêm thu nhập. Đặc biệt trong năm 2024 đã có 15 hộ tham gia dự án đăng kí thoát nghèo.
Gia đình chị Bàn Thị Ngoan, thôn Nà Váng là một trong những hộ được hỗ trợ từ mô hình nuôi gà, sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tham gia mô hình, chị Ngoan được tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống và thức ăn chăn nuôi. Sau hơn 4 tháng, đàn già 200 con của chị được xuất bán, hiện chị Ngoan vẫn đang duy trì gần 50 con gà mái để đẻ trứng. Nhờ đó, chị Ngoan có thêm khoản thu nhập. Ngoài ra, hai vợ chồng chị Ngoan nỗ lực đi làm thuê, chuyển đổi cây trồng mới trên đất ruộng. Cuối năm 2023 gia đình chị Ngoan đủ điều kiện thoát nghèo.
Chị Bàn Thị Ngoan, thôn Nà Váng, xã Đôn Phong chia sẻ: “Nhờ tham gia vào các dự án, gia đình tôi được được hỗ trợ về kỹ thuật, thâm canh tăng vụ nên có thu nhập để trang trải sinh hoạt hằng ngày. Hiện, ngoài duy trì mô hình nuôi gà, gia đình tôi tham gia vào chuỗi liên kết trồng dưa chuột trên diện tích 1.000m2. Tôi mong muốn có nhiều dự án để được tham gia, có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững.”
Năm 2024, gia đình chị Lưu Thị Nương, thôn Nà Váng đăng kí thoát hộ cận nghèo. Để hỗ trợ gia đình có thêm sinh kế tăng thu nhập, việc làm địa phương đã khảo sát nhu cầu, tạo điều kiện cho gia đình chị tham gia mô hình trồng rau sạch, trồng dưa chuột theo chuỗi liên kết. Đồng thời, gia đình chị Nương chủ động tăng thu nhập bằng nhiều cách như tập trung chăm sóc rừng trồng hơn 2ha, thâm canh tăng vụ, đi làm thuê lúc nông nhàn…
Với các giải pháp cụ thể, phù hợp hết năm 2023 xã Đôn Phong còn 141 hộ nghèo, chiếm 23,31 %; hộ cận nghèo 67 hộ, chiếm 11,09 %. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trong năm 2024. Bà Phùng Thị Sim, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong nhấn mạnh: “Công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương để hoàn thành lộ trình về đích xã nông thôn mới vào năm 2025. Vì vậy, triển khai và thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một giải pháp quan trọng, vừa phát huy tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng nỗ lực của người nghèo từ sự hỗ trợ của Nhà nước.”
Với các giải pháp cụ thể, phù hợp hết năm 2023 xã Đôn Phong còn 141 hộ nghèo, chiếm 23,31 %; hộ cận nghèo 67 hộ, chiếm 11,09 %. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo trong năm 2024, thông qua các chính sách giảm nghèo đã giúp người nghèo tiếp cận và tham gia các loại hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tạo cơ hội để các hộ gia đình có vốn sản xuất, có việc làm, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững./.
Đào Kiên