Tuyền đường Đèo Giàng – Sỹ Bình – Vũ Muộn xuống cấp nghiêm trọng

Tuyến đường liên xã Sỹ Bình – Vũ Muộn – Cao Sơn được nâng cấp từ năm 1999, tuy nhiên do không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân đặc biệt là vào những ngày trời mưa.

Tuyến đường liên xã Sỹ Bình – Vũ Muộn có chiều dài trên 12km, là tuyến giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của 3 xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn và một số xã giáp ranh của huyện Na Rì. Hiện nay tuyến đường liên xã này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại, phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào các dân tộc nơi đây. Được biết tuyến đường này đã được dải nhựa từ năm 1999, mặt đường bằng phẳng, thoáng đãng rất thuận tiện cho việc đi lại cũng như trao đổi hàng hóa của nhân dân. Tuy nhiên, do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cùng với việc triển khai thi công các công trình xây dựng  tuyến đường từ xã Vũ Muộn vào xã Cao Sơn, việc các xe trọng tải lớn chở vật liệu, hàng hoá đi qua đã làm cho con đường bị cày sới trở thành những ‘’sống trâu’’ Đi dọc theo tuyến đường mới thấy nỗi khổ của người dân nơi đây bởi con đường đã bị biến dạng hoàn toàn; mặt đường bị dập nát, lởm chởm đá, nhiều chỗ tạo thành hố sâu, trời nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt khiến cho người, phương tiện đi lại hết sức khó khăn, vất vả nhất là các em học sinh mỗi buổi đến lớp quần áo, dày dép toàn bùn đất. Là người thường xuyên đưa đón con đi học qua tuyến đường này ông Bàn Văn Tuy – Thôn Tốc Lù, xã Vũ Muộn cho biết vào những ngày trời khô ráo việc đi lại đã rất khó khăn còn vào những ngày trời mưa thì việc học hành của học sinh gần như bị ngưng trệ. Do đây là tuyến đường độc đạo vào 3 xã Sỹ Bình, Vũ Muộn và Cao Sơn nên hàng ngày có một số lượng khá lớn xe máy và ô tô vận chuyển hàng hoá đi lai qua tuyến đường này, vào những ngày trời mưa việc đi lại cũng bị tê liệt, không ít trường hợp bệnh nhân cấp cứu nhưng xe cấp cứu không vào được đành phải cõng hoặc chở bệnh nhân bằng xe máy ra đường. Những ai thuộc dạng ‘’tay lái lụa’’ đi lại quen đường mới dám đi, còn người ‘’tay lái non’’ ít đi hoặc những người ở xa đến đi lần đầu chắc chắn không dám đi hoặc cần phải có người trợ giúp thậm trí còn ‘’đo đường’’ là chuyện bình thường, không ít người phải lựa chọn giải pháp an toàn là dắt xe, tuy nhiên dắt xe tại những địa điểm lầy lội này cũng không hề đơn giản. Trước những khó khăn đó, nhiều lần cấp uỷ, chính quyền các xã cũng đã huy động nhân dân quốc đất, vận chuyển đá lấp vào những ổ gà, ổ voi, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi hàng ngày có nhiều xe tải chở hàng hoá lại tiếp tục cày sới mặt đường, cùng với việc địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, có chỗ chưa có hệ thống rãnh thoát nước hoặc có chỗ có nhưng đã hư hỏng nên chỉ 1 đến 2 trận mưa to là đường lại trở thành ao và những hố sâu như cái bẫy lại xuất hiện, nguy cơ xảy ra tai nạn luôn rình rập đối với người tham gia giao thông, hàng ngày người dân vẫn phải đi trên con đường lầy lội, ngập bùn, đất.

Để đảm bảo đời sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các xã còn gặp nhiều khó khăn, mong rằng trong thời gian tới ước mơ về tuyến đường nhựa nối liền 3 xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn sẽ trở thành hiện thực, để người dân không còn phải chịu cảnh sống chung với bụi khi trời nắng, với bùn lầy lội mỗi khi trời mưa khi đi lại qua tuyến đường này.