Mô hình trồng cây mướp đắng rừng tại xã Vũ Muộn cho thu nhập 30 triệu đồng/1000 m2
|
Năm 2018, cây mướp đắng rừng được người dân thôn Nà Kén, xã Vũ Muộn trồng thử nghiệm với trên diện tích gần 3.000 m2. Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm nhưng ngay trong vụ mướp đắng đầu tiên các hộ gia đình đã có thu nhập trung bình 30 triệu đồng/1.000m2. Hầu hết diện tích trồng cây mướp đắng rừng được người dân trồng trên sử dụng đất ruộng lúa 1 vụ kém hiệu quả. Qua 2 năm trồng thử nghiệm cho thấy đây là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, việc chăm sóc dễ dàng, không tốn nhiều chi phí. Đặc biệt, hiện nay đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi, với giá bán khoảng 50 – 60 nghìn đồng/kg quả.
Ông Đinh Quang Cảm – Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: cây mướp đắng rừng đã được một số hộ dân đưa về trồng ở địa phương, sau hơn 1 năm trồng, cây mướp đắng rừng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, ít sâu bệnh, ra quả tương đối nhiều. Trong thời gian tới địa phương sẽ xem xét đưa cây trồng này vào cơ cấu cây trồng của địa phương, hỗ trợ người dân về kỹ thuật để mở nhân rộng diện tích, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mướp đắng rừng là cây trồng mọc trong tự nhiên, có sức kháng bệnh, chịu hạn tương đối tốt. Đồng thời, đây cũng là loại cây có thể duy trì nhiều năm mà không cần trồng lại nên chi phí đầu tư thấp. Những năm gần đây, mướp đắng rừng được thị trường ưa chuộng, việc tiêu thụ khá dễ dàng từ quả, ngọn đến lá. Tuy nhiên, hiện nay tại xã Vũ Muộn diện tích trồng cây mướp đắng rừng mới chỉ có gần 5 nghìn m2. Mặc dù muốn mở rộng diện tích trồng loại cây này nhưng người dân vẫn ngần ngại vì không có kinh nghiệm cũng như chưa hiểu biết về kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây còn khá mới mẻ với địa phương này. Anh Hứa Văn Ít – Thôn Nà Kén, xã Vũ Muộn cho biết: Cây mướp đắng rừng trồng tại địa phướng thấy cũng phù hợp, nhưng không đầu tư phát triển vì chưa biết cách trồng, năng suất thấp hơn so với cây mướp đắng rừng được trồng ở các địa phương khác. Để phát triển loại cây trồng này, thời gian tới mong muốn được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mướp đắng rừng.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, cây muớp đắng rừng đã được trồng, chế biến thành công với nhiều sản phẩm như trà túi lọc hay sơ chế thô, phơi khô, cắt nhỏ đóng gói…Để mở rộng diện tích trồng cây mướp đắng rừng, người dân xã Vũ Muộn rất cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật cũng như nguồn vốn của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn./.