TÌNH TRẠNG HỌC SINH VI PHẠM LUẬT GIAO THÔNG KHÁ PHỔ BIẾN

Trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông – Công an huyện đã tích cực phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ, đặc biệt là những quy định về việc sử dụng, điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe gắn máy. Tuy nhiên, hiện nay việc học sinh điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy vi phạm các quy định của Luật giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến.

Hình ảnh học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng hai, hàng ba tại các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Phủ Thông vào giờ tan học diễn ra khá phổ biến, bà Hoàng Thị Nguyệt – Phố Chính, thị trấn Phủ Thông cho biết: “Vào giờ cao điểm học sinh đến trường, hoặc tan học mật độ phương tiện rất đông, tuy nhiên nhiều học sinh vẫn điều khiển xe máy lạng lách, phóng nhanh rất là nguy hiểm. Tại khu vực ngã ba đường tỉnh lộ 258 và đường lên trường cấp 3 đã xảy ra rất nhiều vụ va chạm giao thông đều liên quan đến học sinh điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu”.

Ngoài ra, tình trạng học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, không có gương chiếu hậu, điều khiển xe không có biển số hoặc cố tình dán che biển số cũng khá phổ biến tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Theo quy định, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Cụ thể, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1. Ðiều này đồng nghĩa với việc đa phần học sinh đang học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3. Mặc dù vậy, thời gian qua việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhiều học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm 

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Huệ – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phủ Thông cho biết: “Công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành Luật giao thông luôn được nhà trường quan tâm, ngoài ra nhà trường cũng tuyên truyền đến cả các bậc phụ huynh học sinh, ký cam kết quản lý không giao phương tiện xe máy phân khối lớn cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái. Tuy nhiên, việc quản lý, xử lý học sinh vi phạm chỉ có thể tiến hành trong khuôn viên của trường, một số trường hợp học sinh đi xe máy phân khối lớn nhưng lại gửi ở ngoài trường đến khi vi phạm trên đường, lực lượng chức năng gửi thông báo thì nhà trường mới biết”.

 Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý học sinh vi phạm Luật giao thông

Theo quy định trong trường hợp điều khiển xe máy mà không có Giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng và tạm giữ phương tiện 7 ngày; chủ xe giao xe hoặc để cho người không có Giấy phép lái xe điều khiển xe tham gia giao thông thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông cần có sự kết hợp giáo dục, quản lý giữa nhà trường, gia đình. Bên cạnh đó lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm. Điều quan trọng hơn hết là các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, không buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, bởi sự quan tâm, giáo dục của phụ huynh sẽ đảm bảo được sức khỏe và tính mạng của chính con em mình và cả những người tham gia giao thông./.

Thanh Tuyền