Thị trấn Phủ Thông với phát triển thương mại, dịch vụ

Xác định thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế của địa phương, vì vậy những năm gần đây Đảng bộ, chính quyền Thị trấn Phủ Thông đã có nhiều chính sách, ban hành các Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao đời sống của nhiều hộ dân, thương mại và dịch vụ có chuyển biến tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bà Trương Thị Nhung chủ cửa hàng tạp phẩm phố Đầu Cầu, Thị trấn Phủ Thông luôn niềm nở với khách hàng, bà vừa nhanh tay bán hàng cho khách vừa kể cho chúng tôi nghe việc buôn bán của gia đình bà trong suốt nhiều năm qua: “hai vợ chồng bà đã gắn bó với kinh doanh từ năm 1990, ban đầu chỉ là buôn bán nhỏ lẻ, rau, dưa, cà muối đủ trang trải cho cuộc sống gia đình với 6 nhân khẩu. Nhưng nhận thấy nhu cầu và thị trường buôn bán tại địa phương ngày càng phát triển nên gia đình đã mạnh dạn vay vốn của anh em, bạn bè để mở rộng quy mô kinh doanh, đến nay gia đình bà đã có cửa hàng tạp phẩm tương đối quy mô. Hơn nữa được Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng kinh doanh nên bà cũng yên tâm với kế hoạch kinh doanh của gia đình”.

Cũng giống bà Trương Thị Nhung, Cựu chiến binh (CCB) Đào Thị Thành gắn bó với nghề kinh doanh tạp hóa được mấy chục năm nay. Trở về cuộc sống đời thường sau những năm phục vụ cho Quân đội Việt Nam, nữ CCB này đã vượt qua bao khó khăn cả về vật chất và tinh thần, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con ăn học trưởng thành. Xác định chỉ có kinh doanh, dịch vụ mới giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn mà có đồng ra, đồng vào để nuôi con, phòng lúc ốm đau. Ban đầu, bà đầu tư số vốn 600 nghìn đồng, sau mấy chục năm giờ cửa hàng tạp hóa của bà đã được mở rộng, với nhiều mặt hàng phục vụ cho bà con, từ đồ sành sứ, rọ sắt, bao lưới, đến các loại dụng cụ lao động như cuốc, xẻng.

Ngoài hai mô hình kinh doanh kể trên, theo thống kê, trên địa bàn thị trấn Phủ Thông hiện có gần 160 hộ tham gia kinh doanh với đa dạng các ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy cơ khí nông nghiệp, hàng dệt may, hàng tạp hóa, dịch vụ quán ăn, nhà hàng, nhà nghỉ… Ngoài các điểm kinh doanh dịch vụ tại hộ gia đình, năm 2012 chợ Thị trấn Phủ Thông được xây dựng khang trang với tổng nguồn vốn trên 14 tỷ đồng, đây là nơi kinh doanh của khoảng 200 hộ, phục vụ đời sống người dân, giúp trao đổi, thông thương hàng hóa thuận lợi. Bình quân hằng năm số hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn tăng từ 10 – 20%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2014 đạt 50 tỷ đồng.

Việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình mở rộng đầu tư kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù lĩnh vực thương mại, dịch vụ có bước phát triển, là ngành kinh tế mũi nhọn của thị trấn, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ chưa xứng với tiềm năng của địa phương. Vì thế chính quyền địa phương cần có kế hoạch cụ thể trong việc thu hút đầu tư kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân./.