Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn TNCSHCM huyện Bạch Thông đã luôn đồng hành, giúp khơi dậy và chắp cánh những khát vọng, để thanh niên huyện nhà phát huy vai trò là lực lượng xung kích, sẵn sàng chiến đấu, cống hiến, phát triển, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Tày ở xã Vi Hương, năm 21 tuổi chị Mã Thị Dạy lập gia đình riêng và sinh sống tại xã Mỹ Thanh. Từ nhỏ, chị đã đặc biệt yêu thích các làn điệu dân ca mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bằng niềm đam mê hát then, đàn tính cùng tình yêu với những bộ trang phục sắc chàm của các bà, các mẹ thường mặc trong lao động sản xuất và được mặc trong các dịp lễ, tết; chị đã tự trau dồi, tìm tòi, nghiên cứu để tích lũy vốn kiến thức cho bản thân. Năm 2019, chị đồng sáng lập câu lạc bộ hát then với tên gọi “Sắc Chàm” và là thành viên của câu lạc bộ “Hát then đàn tính huyện Bạch Thông”, chị tích cực tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ trong và ngoài tỉnh, đem lời ca tiếng hát của dân tộc Tày đến với mọi người; đồng thời chị cũng mở các lớp truyền dạy hát then, đàn. Năm 2024 chị Dạy đã mạnh dạn tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV năm 2024”, chị và nhóm đã giành được giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp, sáng tạo thanh niên tỉnh Bắc Kạn với Dự án “Bảo tồn giá trị văn hoá dân gian truyền thống trong nghệ thuật hát then đàn tính, nhạc cụ, trang phục truyền thống dân tộc Tày Nùng”. Chị Mã Thị Dạy cho biết: “ Là người dân tộcTày, chị luôn trăn trở làm sao để các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc sẽ được bảo tồn và phát triển không bị mai một theo thời gian. Từ đó chị có ý tưởng dạy đàn tính cho bà con, rồi phát triển rộng hơn là chế tác các nhạc cụ như đàn tính, quần áo chàm…”
Chị Mã Thị Dạy mở lớp dạy đàn tính cho các em nhỏ
HTX Phương Nam xã Sỹ Bình là một trong những HTX mới được thành lập, vố 09 thành viên tham gia trên cơ sở là Tổ hợp tác thanh niên đã hoạt động từ năm 2022. Tận dụng công nghệ và nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, HTX Phương Nam hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Hiện HTX đang duy trì mô hình nuôi lợn siêu nạc với quy mô hơn 20 con lợn nái và hơn 50 con lợn thịt, hơn 50 con dê thương phẩm, xây dựng được mô hình nuôi giun/trùn quế và tạo phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi và phế phụ phẩm nông nghiệp.
Mô hình chăn nuôi của HTX Phương Nam xã Sỹ Bình
Anh Hoàng Phương Nam – Giám đốc HTX Phương Nam xã Sỹ Bình cho biết: “Là một HTX mới được thành lập, nhưng chúng tôi có khá nhiều kế hoạch thực hiện. Bước đầu tôi mạnh dạn tham gia chương trình khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn, từ đó đã có suy nghĩ khác về vấn đề lập nghiệp như phải có sự liên kết và đồng hành cùng nhiều người mới có thể thực hiện thành công được…”
Huyện Bạch Thông hiện có trên 7.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, chiếm hơn 22,9% dân số, chiếm hơn 27% lực lượng lao động xã hội. Bằng sức trẻ, ý chí nghị lực, nhiều đoàn viên, thanh niên đã và đang lựa chọn con đường khởi nghiệp từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Họ dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi đam mê, vượt qua khó khăn trở ngại để thực hiện khát vọng của mình. Với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí khát vọng phát triển của tuổi trẻ, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên đã được triển khai và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp và tạo sinh kế cho Nhân dân địa phương. Đến nay, huyện Bạch Thông duy trì và thành lập mới 05 HTX, 03 tổ hợp tác và 20 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ.
Lực lượng thanh niên Bạch Thông xung kích trong mọi hoạt động
Tuy nhiên, hành trình phát triển của thanh niên trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong quá trình khởi nghiệp như thiếu vốn, kỹ thuật, địa hình vùng sâu vùng xa, chưa có sự liên kết … nên chưa có mô hình nào có quy mô lớn, hầu hết chỉ là nhỏ lẻ. Hơn hết, với thanh niên nông thôn, sự đồng hành của các cấp, ngành và tổ chức Đoàn là bước đệm quan trọng giúp mỗi bạn trẻ tự đứng vững trên đôi chân để bước đến chinh phục thành công con đường phía trước. Đồng chí Hoàng Thị Hạ – Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Trong thời gian qua thanh niên trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch lồng ghép về tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên…. Ngoài ra, Đoàn huyện còn tích cực triển khai nhiều chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập, nghề nghiệp, việc làm... Việc thực hiện các cơ chế chính sách về tín dụng ưu đãi; các nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả tốt. Đến nay, 100% Đoàn Thanh niên cấp xã tham gia quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn…”
Thời gian tới, cùng với các cấp, các ngành trên địa bàn toàn huyện, Đoàn thanh niên huyện Bạch Thông xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đoàn các cấp.
Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngại khó, ngại khổ với phương châm “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, thời gian qua, các đoàn viên, thanh niên huyện đã rất hăng hái tham gia phong trào “Tuổi trẻ Bạch Thông chung tay xây dựng Nông thôn mới”, đóng góp công sức, kinh phí để thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ở các địa phương.
Đào Kiên