Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống, ngành chức năng, các địa phương và hộ chăn nuôi trên địa bàn cần chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan.
Là hộ thường xuyên có từ 10 – 20 con lợn thịt trong chuồng, trong thời gian này dịch tả lợn châu phi trên địa bàn diễn biến phức tạp, để đảm chủ động phòng tránh dịch bệnh hàng ngày gia đình chị Nguyễn Thị Lam – Thôn Nà Lầu, xã Tân Tú đều thực hiện phun thuốc khử trùng 2 lần/ ngày. Hạn chế người ra vào chuồng nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Chị Lam cho biết thêm: “Hiện nay dịch tả lợn châu phi xảy ra ở nhiều nơi tôi rất lo lắng. Để phòng chống phòng, chống dịch gia đình tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử khuẩn thường xuyên, hạn chế người ngoài ra, vào trại. Khi mua lợn giống về nuôi phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xem lợn có khoẻ mạnh, nhanh nhẹn không, sát khuẩn chuồng trại trước khi nhập lợn về”.
Trong thời gian qua dịch tả lợn châu phi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn biến phức tạp, tại huyện Bạch Thông hiện nay dịch tả đã xảy ra tại các xã Tân Tú, Đôn Phong, Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Mỹ Thanh. Mới đây tại các xã Sỹ Bình, thị trấn Phủ Thông cũng đã có lợn chết, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm.
Tiêu huỷ lợn chết do dịch tả lợn châu phi tại xã Tân Tú
Bà Ma Thị Lệ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: “Thời điểm tháng 3 dịch tả lợn châu phi xuất hiện tại thôn Tân Hoan, xã Tân Tú. Tuy nhiên dịch phát hiện kịp thời tiêu hủy nên mức độ thiệt hại không lớn. Qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch, đến nay đã công bố dịch. Đến đầu tháng 5 dịch bắt đầu bùng phát tại các Đôn Phong, Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Cẩm Giàng. Cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã hướng dẫn người dân cách ly, lợn ốm, tiêu hủy lợn chết theo quy định”.
Xác định phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi là việc làm thường xuyên, liên tục, ngay từ đầu năm, cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nói chung và bệnh dịch tả lợn châu phi nói riêng. Chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền đến hộ chăn nuôi chủ động biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi…Bà Ma Thị Lệ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết thêm: “Để phòng chống dịch tả lợn châu phi đạt kết quả, các hộ chăn nuôi nên chăn nuôi an toàn sinh học, tập trung theo hướng khép kín để chủ động trong khâu phòng dịch. Cách ly các nguồn lây bệnh (diệt muỗi, côn trùng…). Thường xuyên vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi. Các địa phương tạm dừng việc cấp lợn, tái đàn lợn trong thời gian đang có dịch. Không sử dụng thức ăn từ nước dùng, thức ăn tận dụng khi chưa được nấu chín kỹ…”.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác khoanh vùng, phòng chống dịch chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, rắc vôi bột xung quanh chuồng. Không mua lợn giống không rõ nguồn gốc. Thường xuyên theo dõi, kịp thời báo với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi lợn có biểu hiện ốm, chết. Thực hiện tiêu hủy lợn chết, không mua bán vận chuyển đi lợn nơi khác. Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ lợn trên địa bàn…/.
Thanh Tuyền