Hiện nay thời tiết biến đổi thất thường, làm gia cầm, vật nuôi không thích nghi kịp nên dễ bị nhiễm bệnh. Do vậy, việc chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm thời điểm giao mùa như: tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại, tăng cường chăm sóc, phòng chống dịch bệnh…sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi.
Phun thuốc khử trùng, tiêu độc trên địa bàn thị trấn Phủ Thông
Với phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh, đặc biệt là vào thời tiết giao mùa như hiện nay, nắng, mưa thất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm. Ông Phạm Thanh Nguyện thôn Nà Ít, xã Vi Hương cho biết: “Hàng ngày tôi luôn chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, kịp thời nắm thông tin, để che chắn chuồng trại, thường xuyên giữ vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ. Thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc 1-2 lần/tuần. Tiêm phòng định kỳ nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi trong thời điểm chuyển giao mùa như hiện nay”.
Hiện nay, thời tiết khí hậu có diễn biến rất phức tạp, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ phát sinh. Đặc biệt ở thời điểm chuyển giao mùa từ mùa xuân sang mùa hè, ban ngày có thể nắng nóng song đến đêm, nhất là về sáng sớm trời vẫn có thể trở rét, gió lạnh. Người chăn nuôi chưa kịp che chắn chuồng trại hoặc không chủ động phòng bệnh làm cho con vật nhiễm bệnh. Đối với trâu, bò một số bệnh hay nhiễm tại thời điểm này như: bệnh Tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé, bệnh lở mồm long móng… Trên đàn lợn có thể mắc một số bệnh như: bệnh tai xanh, lở mồm long móng, đặc biệt hay mắc bệnh truyền nhiễm như: Tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu. Trên gia cầm hay xuất hiện một số bệnh Niwcastle, bệnh cúm, tiêu chảy…
Thời điểm giao mùa cần chú ý phòng bệnh Tụ huyết trùng, lở mồm long móng…trên đàn gia súc
Theo bà Ma Thị Lệ – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện: “Để chủ động phòng bệnh, người chăn nuôi cần phải tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành thú y. Chú ý vệ sinh chuồng trại, nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Khi thời tiết có thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa. Đảm bảo cho đàn vật nuôi đủ dinh dưỡng và đủ lượng. Khi phát hiện con vật có biểu hiện bất thường như bỏ ăn, sốt, thở nhanh, thích nằm … cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng trị bệnh tích cực. Với gia súc, gia cầm vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời cần thực hiện cách ly ít nhất 15 ngày sau đó mới nhập đàn. Sau khi tái đàn ít nhất 01 ngày cần thông báo ngay về số lượng, nguồn gốc vật nuôi tái đàn cho thú y, chính quyền xã, thị trấn tổng hợp theo dõi…”./.
Thanh Tuyền