Sức xuân ở Phiêng Kham

Mặc cho cái lạnh buốt như cắt da cắt thịt của tiết trời vùng cao, chúng tôi vẫn quyết tâm vượt qua đoạn đường đèo dốc đá lởm chởm để đến với thôn Phiêng Kham, xã Mỹ Thanh. Sau nhiều năm nỗ lực thi đua phát triển sản xuất, đời sống của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Dao đã có nhiều đổi thay.

        Thôn Phiêng Kham có 104 hộ gia đình với 414 nhân khẩu, nhiều năm nay Phiêng Kham được biết đến là thôn đi đầu trong phát triển kinh tế của xã. Những ngày đầu “hạ sơn” về vùng đất này, hầu hết các hộ dân gặp nhiều khó khăn do chưa biết canh tác gì trên vùng đất mới nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con trong thôn dần được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tìm hiểu các giống cây trồng, vật nuôi mới và từ đó đã thay đổi tư duy, nhận thức, tập quán canh tác của bà con nơi đây. Nhận thấy, thôn có lợi thế về đất đồi rừng vì vậy bà con đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây trồng như khoai môn, cây chuối tây, cây gừng. Sau một vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân dân đã chủ động mở rộng diện tích, coi đây là cây trồng chính giúp nâng cao thu nhập và thoát nghèo. Từ chỗ chỉ có một số hộ trồng vài trăm mét vuông, thì đến nay cả thôn có 60 hộ tham gia trồng khoai môn với diện tích trên 8,5ha. Đây là loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại giá trị kinh tế cao, năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha. Điển hình như hộ ông Triệu Tiến Tân có thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/năm từ những năm đầu tham gia trồng cây khoai môn. Việc thu mua nông sản cũng đã theo hướng thương mại hóa, các thương lái vào tận thôn thu mua rồi vận chuyển đi thị trường các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội vì vậy đầu ra tương đối ổn định, bà con yên tâm sản xuất. Nhờ cây trồng này mà nhiều gia đình ở Phiêng Kham đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu, xây dựng được nhà cửa khang trang. Sau thành công từ cây khoai môn, nhân dân thôn Phiêng Kham còn mạnh dạn đưa cây chuối tây vào trồng trên diện tích đất đồi, ven khe suối để thay thế cây trồng giá trị thấp và tăng thu nhập cho người dân. Năm 2013, xã Mỹ Thanh đã tiếp nhận và triển khai thí điểm mô hình trồng cây chuối tây bằng giống nuôi cấy mô tại thôn Phiêng Kham, người dân được hỗ trợ toàn bộ giống, khoa học kỹ thuật, phân bón. Hiện nay, thôn đã trồng được hơn 10ha và thu nhập bình quân của các hộ trồng chuối tây là 90 triệu đồng/ha/năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với phương pháp trồng truyền thống, mở ra cơ hội làm giàu cho nhân dân thôn Phiêng Kham.

        Với những nỗ lực trong tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp đã giúp cho nhân dân thôn Phiêng Kham có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, hiện nay số hộ nghèo của thôn chỉ còn 8/104 hộ. Cùng với nỗ lực tìm hướng đi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhân dân thôn Phiêng Kham còn đoàn kết, đồng thuận chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp. Sự đổi thay rõ nét ở Phiêng Kham hiện nay là nhiều tuyến đường nội thôn đã được bê tông hóa rộng rãi thay thế những con đường đất đỏ trước kia. Có được thành quả đó là nhờ sự đoàn kết, nhất trí của người dân trong việc tự nguyện hiến đất, hoa màu, góp tiền, ngày công để cùng với nhà nước mở đường liên thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt, giao lưu cũng như thông thương hàng hóa.