QUAN TÂM PHÁT TRIỂN TRỒNG CÂY GỖ LỚN TẠI BẠCH THÔNG

0

Nhận thấy lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và xây dựng các chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng theo hướng đi này.

Sở hữu 7ha đồi rừng, anh Hoàng Văn Cương, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong tập trung phát triển cây mơ, hồng không hạt và trồng rừng gỗ lớn, trong đó có 0,6ha cây lát. Với kinh nghiệm trồng rừng nhiều năm, anh Cương cho rằng, muốn trồng rừng có thu nhập cao thì phải phát triển cây gỗ lớn. Nhưng để có được rừng gỗ lớn đòi hòi người trồng phải kiên trì, đầu tư chăm sóc, đôi khi phải biết lấy ngắn nuôi dài. Anh Hoàng Văn Cương cho biết: “Hiện tại gia đình có 0,6ha cây lát đã được khoảng 12 năm tuổi. Khoảng từ 8 – 10 năm nữa, rừng gỗ lát của gia đình sẽ đến chu kỳ khai thác, ước tính giá trị khai thác sẽ đạt khoảng 600 – 800 triệu đồng”

 Vườn cây gỗ lát hơn 10 năm tuổi của gia đình anh Hoàng Văn Cương, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong.

 Nếu so sánh trồng cây gỗ nhỏ bình quân 1ha sau 7 đến 8 năm khai thác được 80m3 gỗ, thu được khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha, trừ đi khoảng 20 triệu đồng chi phí trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển thì lợi nhuận thu được chẳng đáng bao. Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn tuy chu kỳ khai thác phải từ 15 – 20 năm nhưng giá trị kinh tế mang lại cao gấp 2- 3 lần, chưa kể những lợi ích về môi sinh mà rừng gỗ lớn mang lại. Vì vậy, trồng cây gỗ lớn là hướng đi đã và đang được huyện khuyến khích phát triển

Trên địa bàn huyện có tổng diện tích tự nhiên gần 55.000ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 48.300ha, đất có rừng là 43.190ha với độ che phủ rừng đạt hơn 79%. Những số liệu này cho thấy tiềm năng, lợi thế và những nỗ lực trong phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện. Năm 2021, huyện đã ban hành kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre nứa giai đoạn 2021- 2025, đề ra những mục tiêu cụ thể: Có trên 800ha cây keo được trồng lại sau khai thác và chuyển từ trồng mỡ sang trồng keo bằng các giống tiến và kinh doanh theo phương thức trồng cây gỗ lớn; 500ha cây mỡ áp dụng các biện pháp kỹ thuật chặt tỉa thưa để nâng tỷ lệ gỗ xẻ lên 80% sản lượng khai thác; 750ha cây mỡ được trồng lại sau khai thác bằng giống bảo đảm chất lượng tốt; 450ha cây mỡ được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật tái sinh chồi sau khai thác đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt; phấn đấu trên 1.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC; 300ha rừng trồng được sản xuất theo chuỗi giá trị; tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 242.500m3, sản lượng hàng năm trung bình khai thác 48.500m3; 100% sản lượng gỗ khai thác được chế biến tại địa phương, trong đó có 30% được chế biến sâu.

Đồng chí Nguyễn Đình Thỏa- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, những năm gần đây huyện đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn. Một mặt, cán bộ Kiểm lâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ lợi ích của trồng cây gỗ lớn về mặt kinh tế và môi sinh. Mặt khác, quy trình và kỹ thuật tỉa thửa giảm mật độ, loại bỏ những cây bị sâu bệnh, không đủ tiêu chuẩn, chăm sóc rừng trồng cũng được tăng cường hướng dẫn, chuyển giao cho bà con. Riêng trong năm nay, 130ha rừng gỗ nhỏ đang được huyện hỗ trợ người dân chuyển hóa sang rừng gỗ lớn”

Có thể nói trồng rừng gỗ lớn là một hướng đi giúp nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời cũng là nhân tố góp phần khiến người dân gắn bó và bảo vệ rừng tốt hơn”./.

Đào Kiên