Hiện nay lúa xuân trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, tuy nhiên tại xã Vi Hương và một số xã trên địa bàn huyện đang xuất hiện sâu bệnh gây hại.
Gia đình bà Bàn Mùi Phấy – thôn Nà Pái, xã Vi Hương có hơn 2.000 m2 ruộng đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, tuy nhiên bà Phới cho biết hai ngày trở lại đây các diện tích này có hiện tượng vàng lá, khiến bà rất lo lắng. Bà Phấy cho biết thêm: “ Cây lúa hai hôm trước còn xanh nhưng đến hôm nay thì thấy toàn bộ ruộng lúa vàng, đỏ hết. Tôi cũng không biết lúa bị làm sao, thấy có người bảo là bị bệnh vàng lá do vi khuẩn nên tôi cũng mua thuốc trị vi khuẩn về phun xem có khỏi được không. Mấy năm nay thời tiết thay đổi sâu bệnh nhiều, có vụ phải phun đến 4-5 mới được thu hoạch”.
Diện tích lúa bị bệnh vàng lá vi khuẩn gây hại
Không chỉ gia đình bà Phấy mà phần lớn diện tích lúa xuân tại xã Vi Hương và một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang có hiện tượng vàng lá. Qua tìm hiểu của cán bộ chuyên môn hầu hết diện tích lúa xuân bị vàng lá là do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt trong những ngày qua thời tiết mưa, nắng thất thường, chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên một số bệnh gây hại xuất hiện, trong đó chủ yếu là bệnh vàng lá vi khuẩn. Các loài vi khuẩn xâm nhiễm chủ yếu qua vết thương cơ giới do mưa, gió nên các lá lúa cọ xát vào nhau gây tổn thương. Vì thế phần hai mép lá thường bị tổn thương trước và nhiễm bệnh trước. Nếu không phun thuốc phòng trừ kịp thời sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Người dân xã Vi Hương phun thuốc phòng trừ bệnh gây hại
Chị Triệu Thị Sơn – Cán bộ chuyên môn Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: “Triệu chứng của bệnh vàng lá vi khuẩn ban đầu xuất hiện một số đường sọc nhỏ, dài ngắn khác nhau, có màu xanh trong giọt dầu chạy dọc theo các gân của lá; các sọc này chuyển dần sang màu nâu có viền vàng ở hai bên. Để phòng phòng trừ bệnh vàng lá vi khuẩn, trước hết bà con cần phải bón phân cân đối ( không bón thừa đạm), không bón đạm muộn.Thường xuyên thăm đồng ruộng theo dõi phát hiện bệnh sớm, khi phát hiện thấy triệu chứng bệnh cần giữ nước ruộng 3 – 5 cm, dừng bón tất cả các loại phân hoá học, phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Khi lúa chưa trỗ có thể dùng 15 – 20 kg vôi bột vãi cho 1.000 m2. Dùng các loại thuốc để phun như: Fujimin 20SL, LiNaCin 40SL, Kasumin 2SL…pha phun theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao”.
Ngoài bệnh vàng lá vi khuẩn gây hại, hiện nay trên lúa xuân cũng xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như: Ruồi, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh nghẹt rễ gây hại nhẹ rải rác tại một số địa phương. Dự báo trong thời gian tới sâu bệnh sẽ tiếp tục gây hại mạnh. Do đó bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời./.
Thanh Tuyền