PHONG TRÀO PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘI CỰU CHIẾN BINH HUYỆN BẠCH THÔNG

0

Trong những năm qua, Hội Cựu chiến binh các cấp huyện Bạch Thông luôn quan tâm động viên Cựu chiến binh nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên.

Được sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã Lục Bình, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Mạc Luân Tiến – Thôn Bản Piềng, mặc dù là Bệnh binh mất sức lao động 61%, Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, năm 1985 phục viên trở về địa phương, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ và lời dạy của Bác “ Thương binh tàn nhưng không phế” ông vẫn luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương và gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, với diện tích ao nuôi cá hơn 700 m2, hơn 2 ha rừng mỡ sắp đến kỳ khai thác. Bên cạnh đó ông tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật gieo cấy lúa, cây màu, chăn nuôi gia cầm…mỗi năm cũng cho thu nhập trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam/Đioxin huyện ông luôn quan tâm, động viên Hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Mạc Luân Tiến chia sẻ: “Khi trở về địa phương bản thân tôi sức khỏe giảm nhiều, gia đình tôi lúc đó rất khó khăn, con thì còn nhỏ, nhưng học tập theo lời dạy của Bác Thương binh tàn nhưng không phế, bản thân tôi đã cố gắng tìm mọi cách để phát triển kinh tế. Với suy nghĩ “Bàn tay ta làm nên tất cả – có sức người sỏi đá cũng thành cơm” tôi và gia đình đã tận dụng hết diện tích đất của gia đình đề trồng cây, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Qua bao nhiêu năm cố gắng đến nay đời sống gia đình đã ổn định, con cái đã trưởng thành”.

Ông Mạc Luân Tiến – Xã Lục Bình là một trong những cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Hội cựu chiến binh huyện.

 Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm qua, Hội Cựu Chiến binh huyện Bạch Thông đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo như: Phát triển chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng, trồng cây thuốc lá… nâng vòng quay đất sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Tích cực khuyến khích và động viên các gia đình hội viên chuyển đổi kinh tế, cây trồng, vật nuôi; đồng thời điều tra, rà soát các hội viên nghèo để có kế hoạch giúp đỡ. Từ năm 2017 đến nay Hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện, tạo điều kiện cho gần 900 lượt hội viên vay, với số tiền trên 45 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều mô hình kinh tế được hội viên Cựu chiến binh áp dụng có hiệu quả cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, các cấp hội tích cực giúp đỡ những gia đình hội viên nghèo vượt khó, vươn lên giúp nhau bằng tiền, cây con giống, giúp nhau bằng ngày công lao động, hàng năm phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 1.000 lượt hội viên…

 Ông Nguyễn Đức Tân – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện cho biết: “Các cấp hội đã luôn quan tâm vận động hội viên tích cực tham gia ủng hộ ngày công, vật chất để giúp xóa nhà tạm cho hội viên nghèo và hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong nhiệm kỳ Hội đã xóa được 23 nhà tạm cho hội viên nghèo khó khăn. Thường xuyên quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, năm 2017 Hội có 196 hộ nghèo, chiếm 9,8% thì đến nay giảm xuống còn 121 hộ nghèo, chiếm 6,3%”.

Để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, trong thời gian tới Hội cựu chiến binh huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội tạo điều kiện thuận lợi để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để hội viên áp dụng vào sản xuất. Tổ chức cho hội viên cựu chiến binh được tham gia các chuyến tham quan học kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế cho thu nhập cao trong và ngoài tỉnh./.

Thanh Tuyền