Để hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đi vào thực chất, sát với nhu cầu của người dân, giúp cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống hằng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông đã biên soạn các tài liệu để hướng dẫn cho Tổ công nghệ số cộng đồng và cho người dân.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống hàng ngày của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phổ biến đến các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng biết, sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó tập trung vào 6 nội dung tài liệu quan trọng để hướng dẫn người dân bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn; kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản và một số nội dung quan trọng khác theo định hướng, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân có thể dễ dàng truy cập, tham gia khóa bồi dưỡng trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông để các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện mọi lúc, mọi nơi, đơn giản.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân sử dụng kênh Zalo “Chuyển đổi số quốc gia” và chọn “Quan tâm” trên điện thoại thông minh như một kênh để cập nhật kịp thời các thông tin mới nhất về chuyển đổi số. Phòng Văn hoá và Thông tin là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai khóa bồi dưỡng “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” đến các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn./.
Ngọc Diệp