Những ngày này, đi dọc một số xã của huyện Bạch Thông, câu chuyện về cây dong riềng dường như là một đề tài được người dân quan tâm, bàn tán nhiều nhất. Niềm vui được mùa chưa được bao lâu thì nhiều hộ dân trồng dong riềng lại phải đối mặt với tình trạng củ dong mất giá, ế ẩm. Giá dong riềng xuống thấp nhất từ trước đến nay khiến nhiều hộ dân không muốn thu hoạch để bán, bởi theo tính toán với mức giá 600 đồng/kg, một ngày một người thu hoạch cật lực cũng chỉ được khoảng 2 tạ, bán được 120.000 đồng là không đạt ngày công. Nếu hộ gia đình nào thuê người đào củ dong thì tiền bán sản phẩm cũng không đủ trả tiền công thuê. Xã Nguyên Phúc là một trong những xã có số lượng dong riềng còn tồn lớn nhất của huyện Bạch Thông, ông Triệu Văn Khoa – Chủ tịch UBND xã Nguyên Phúc cho biết, năm 2013, xã được giao chỉ tiêu trồng 24 ha cây dong riềng, qua triển khai đăng ký, người dân đã thực hiện được hơn 22 ha. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, toàn xã mới thu hoạch được khoảng hơn 12 ha, vẫn còn tồn khoảng hơn 10 ha không được người dân thu hoạch với lý do giá quá thấp và không có doanh nghiệp đến thu mua. Không chỉ xã Nguyên Phúc, hiện nay tại nhiều xã của các huyện: Bạch Thông, Ngân Sơn, Pác Nặm và Na Rỳ, lượng dong riềng còn tồn trong dân là khá lớn. Không có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng qua ước tính sơ bộ của các địa phương, diện tích dong riềng chưa được thu hoạch của toàn tỉnh chắc chắc không dưới 100 ha. Hiện nay đã quá thời gian thu hoạch, lượng tinh bột trong củ dong đã giảm. Vì thế, những diện tích chưa được thu hoạch chắc chắn sẽ khó có thể tiêu thụ được. Người nông dân các xã Đôn Phong, Nguyên Phúc của huyện Bạch Thông đang tính toán chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác sau một năm không thu lợi từ cây dong riềng.
Năm 2013, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 2.100 ha cây dong riềng, tuy nhiên nhiều hộ dân đã tự ý mở rộng diện tích kéo theo diện tích trồng dong riềng của toàn tỉnh đã thực hiện là gần 3000 ha, vượt hơn 800 ha so với kế hoạch. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, nếu các địa phương thực hiện đúng theo kế hoạch là 2.100 ha thì với trên 150 cơ sở chế biến dong riềng lớn nhỏ hiện có của tỉnh sẽ đáp ứng đủ việc bao tiêu sản phẩm củ dong cho người dân. Chính việc trồng vượt chỉ tiêu kế hoạch đã khiến cho giá dong riềng xuống thấp, thậm chí không có đơn vị thu mua. Qua câu chuyện phát triển ồ ạt cây dong riềng của năm 2013 một lần nữa cũng cho thấy công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, định hướng trong việc phát triển các loại cây trồng mũi nhọn của chính quyền các địa phương là rất quan trọng. Một số xã gặp khó khăn trong vận động người dân tiếp tục trồng dong riềng do thực tế trước mắt là vẫn còn những diện tích chưa được thu hoạch vì giá quá thấp. Đây có lẽ tiếp tục sẽ là một bài học hết sức sâu sắc để các chính quyền cơ sở nhận thức rõ hơn tầm quan trọng trong vai trò định hướng, quy hoạch và quản lý quy hoạch trồng cây nông nghiệp của mình.