PHÁT HUY SỨC DÂN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Để thực có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động phát huy sức mạnh nội lực từ Nhân dân.

Trước khi sáp nhập thành thôn Tân Hoan vào cuối năm 2021, người dân hai thôn Còi Mò và Nà Hoan (xã Tân Tú) đã tự nguyện đóng góp ngày công, kinh phí để làm nhà văn hóa ở mỗi thôn. Về chung một nhà, thôn Tân Hoan có 131 hộ, trong khi Nhà Văn hóa cũ chỉ có 70 chỗ ngồi. Vì thế, ban lãnh đạo thôn đã họp bàn và vận động người dân đóng góp hơn 600.000 đồng để nâng cấp, mở rộng Nhà Văn hóa lên 150 chỗ ngồi. Trong năm 2022, thôn Tân Hoan còn làm gần 100m đường nội thôn và 400m đường nội đồng với sự hỗ trợ kinh phí từ cấp trên, người dân trong thôn đóng góp ngày công lao động. Chị Đinh Thị Bình, người dân thôn Tân Hoan chia sẻ. “Năm nay xã phấn đấu về đích nông thôn mới, nên bà con trong thôn cũng muốn đóng góp phần công sức vì cộng đồng. Chỉ cần chủ trương đúng, hợp lòng dân, mọi khoản thu chi công khai, minh bạch thì chúng tôi luôn nhiệt tình ủng hộ”.

 Nhân dân thôn Nà Lầu đổ bê tông đường nội thôn

Con đường bê tông trải dài sạch sẽ, những thùng rác màu xanh đặt ngay bên đường là hình ảnh dễ nhận thấy khi đến với thôn Lủng Coóc, xã Quân Hà. Để đạt được các tiêu chí nông thôn mới thì sự đồng thuận, đoàn kết của người dân trong thôn là quan trọng nhất. Từ việc hiến đất làm đường, xây dựng lò đốt rác, góp kinh phí mua thùng đựng rác đều được gần 70 hộ dân trong thôn chung sức, đồng lòng thực hiện. 5 năm qua, người dân thôn Lủng Coóc đã đóng góp hơn 75 triệu đồng, 900 ngày công lao động, hiến hơn 1.200m2 đất để làm đường giao thông và kênh mương thủy lợi; xây 3 lò đốt rác thải theo nhóm hộ và đã có 8 hộ xây lắp bể biogas. Trong các cuộc họp, ban lãnh đạo thôn đã tuyên truyền chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới cho bà con. Từ đó, giúp bà con hiểu, đồng tình và đóng góp công sức, kinh phí cùng với nguồn lực đầu tư của cấp trên để cùng xây dựng nông thôn mới. Sức dân chính là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp Lủng Coóc về đích xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Lường Thái Biên – Bí thư Đảng ủy xã Quân Hà cho biết: “Xác định người dân là chủ thể, đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng trong xây dựng nông thôn mới nên chúng tôi tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng hộ dân. Từ đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu đến tích cực thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Các khoản đóng góp được đưa ra bàn bạc, thống nhất theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai, người dân trực tiếp làm và kiểm tra, giám sát nên tạo sự đồng thuận cao. Nếu không có sự đồng tình ủng hộ tham gia xây dựng, đóng góp kinh phí, hiến đất của người dân thì rất khó để Quân Hà hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2021”.

Đường giao thông thôn Thái Bình – Đoàn Kết xã Quân Hà được  xây dựng khang trang, sạch đẹp.

Để huy động được sức dân, huyện đặc biệt chú trọng công tác dân vận, xem đây là “chìa khóa” khơi dậy sức mạnh to lớn trong Nhân dân. Hằng năm, toàn huyện có khoảng 200 mô hình “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện. Trong đó, nhiều mô hình liên quan đến xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong vận động Nhân dân hiến đất làm đường; ông Nông Văn Bảy ở thôn Chi Quảng B, thị trấn Phủ Thông phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới; chị Bàn Thị Ngân, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong với mô hình tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường khu dân cư…Đến nay, huyện có Quang Thuận đạt xã nông thôn mới nâng cao; các xã Dương Phong, Cẩm Giàng, Quân Hà đạt chuẩn nông thôn mới; xã Tân Tú phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2022; các xã còn lại đều đạt từ 9 – 15 tiêu chí. Kết quả này đáng tự hào và là động lực để huyện tiếp tục đẩy mạnh Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”./.

Ngọc Diệp