Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước xảy ra 3.801 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, diễn ra nhiều tại các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Tại địa bàn huyện Bạch Thông, trong 6 tháng đầu năm 2024 xảy ra 07 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền bị chiếm đoạt hơn 120.000.000đ, với phương thức, thủ đoạn chủ yếu như: lừa tặng quà từ nước ngoài về Việt Nam; giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát gọi điện đe doạn nạn nhân do liên quan đến các vụ án và yêu cầu chuyển tiền để bảo lãnh; lừa làm nhiệm vụ trên các ứng dụng trực tuyến (shoppee, lazada); lừa tiền đặt cọc mua các loại máy móc qua mạng; nhắn tin làm quen, rồi giả vờ có tình cảm với nạn nhân, sau đó lừa nạn nhân chuyển tiền để làm các nhiệm vụ trực tuyến hoặc đầu tư online…Để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người dân cần nhận diện và thực hiện cách phòng tránh như sau:
- Không nghe: Không nghe điện thoại lạ chào mời vào các nhóm trên mạng, rủ đầu tư…Không nghe các cuộc gọi dọa nạt liên quan đến vụ án, vụ việc…
- Không nói: Không cung cấp mã OTP, mật khẩu, tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân cho người lạ
- Không hoa mắt trước: Các món quà miễn phí, lời chào mời việc nhẹ lương cao, đầu tư lợi nhuận cao, vay vốn lãi suất thấp trên mạng. Những quảng cáo combo du lịch, vé máy bay, khách sạn giá rẻ. Các cuộc thi sắc đẹp, thi ảnh, thi mẫu nhí, giải cờ vua, trạng nguyên trên mạng…
- Không sợ hãi khi: Có người tự xưng Công an, cảnh sát đe dọa liên quan đến vụ việc, không sợ hãi khi nhận cuộc gọi thông báo người nhà gặp tai nạn
- Không làm theo yêu cầu của người lạ:Không cài ứng dụng theo hướng dẫn của đối tượng lạ qua điện thoại, dù đó là ứng dụng thuế, VneID…không chuyển khoản khi chưa rõ thông tin người nhận, không kết bạn với người lạ trên mạng xã hội. Khi nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần đến Cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo./.
Ngọc Diệp