Thấy được hiệu quả từ mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả, trong thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bạch Thông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo hình thức này.
Trong điều kiện bãi chăn thả ngày càng bị thu hẹp, hầu hết các xã đều không còn bãi chăn thả, do đó nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển toàn bộ đất ruộng trồng lúa, ngô kém hiệu quả, tận dụng đất soi bãi để trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả. Chị Nông Thị Hà – Thôn Nà Lẹng, xã Sỹ Bình cho biết: “Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò nhốt hơn 4 năm nay, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc gia đình đã tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà, ven đồi để trồng cỏ voi. Hiện nay, giá trâu, bò giảm so với những năm trước đây, tuy nhiên chăn nuôi trâu, bò vẫn có hiệu quả do không tốn nhiều chi phí thức ăn cho chúng. Từ chăn nuôi trâu, bò mỗi năm gia đình đều có nguồn thu ổn định, vươn lên thoát nghèo”.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt, bán chăn thả cần tiếp tục được nhân rộng
Hiện nay, phong trào trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò phát triển mạnh tại các xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn, Tân Tú, Quân Hà, thị trấn Phủ Thông… Nhiều hộ đầu tư chăn nuôi với quy mô từ 10 – 20 con. Bình quân mỗi con trâu, bò chăn nuôi theo hình thức này sẽ đem lại thu nhập 5– 8 triệu đồng/năm.
Bà Đàm Thị Hành – Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết: “Việc người dân trong xã phát triển chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả đã góp phần giảm tình trạng thả rông gia súc, tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh, tận dụng được nguồn phân hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp…”.
Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này, trong thời gian tới các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện mô hình, đồng thời quan tâm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăn nuôi tập trung, phòng bệnh…góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.
Thanh Tuyền