Tìm gặp chị trong căn nhà đơn sơ ở bản Nà Cà, xã Mỹ Thanh, hình ảnh chị đang miệt mài, cặm cụi bên chiếc máy khâu khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Nhìn vào những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ, bắt mắt người xem, ít ai nghĩ rằng người làm nên những tác phẩm nghệ thuật ấy lại là một phự nữ kém may mắn – một người phụ nữ bị tật cả hai chân. Chị So sinh năm 1964, lúc mới sinh ra, chị vẫn là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Đến năm 12 tuổi, sau một giấc ngủ trưa tỉnh dậy, chị thấy mình tê liệt chân tay không đi lại được nữa. Bố mẹ đưa chị đến bệnh viện nhưng rồi vì nhà quá nghèo, lại xa bệnh viện nên gia đình không có đủ điều kiện để chạy chữa cho chị. Sau đó, chị phải nằm liệt một chỗ 8 năm liền. Bao ước mơ hoài bão của một cô gái mới lớn chợt tan biến hết. Có lúc, chị cũng đã nghĩ đến phút đường cùng khi thấy mình không có ích gì cho gia đình, cho bố mẹ mà còn làm khổ mọi người. Nhưng chết thì dễ quá! Sống và sống như thế nào mới khó và phải làm gì để mình không trở nên vô nghĩa. Ý nghĩ ấy cứ luôn hiện lên trong đầu chị. Chị So tâm sự: “Bản thân tôi lúc đó thì tật nguyền không làm được gì, bố mẹ thì ngày càng già yếu đi, ai sẽ nuôi mình đây? Nhưng đúng thời điểm đó được nghe Đài nói về những tấm gương thương binh trở về từ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, họ bị mất một phần cơ thể, có người còn mất cả hai chân hoặc hai tay nhưng họ vẫn vươn lên sống lạc quan và sống có ích cho xã hội đúng như lời mà Bác Hồ khi còn sống đã dạy: Tàn nhưng không phế. Tôi nghĩ mình phải quyết tâm tự mình đi lên bằng nghị lực của chính mình, tự nuôi sống bản thân mình và làm việc có ích cho xã hội.” Sau rất nhiều nỗ lực của chị và gia đình trong việc tìm và đắp đủ các loại thuốc, cuối cùng chị cũng đã tự đứng dậy và chống gậy tập tễnh đi lại được. Mới đầu chị So học nghề đan lát rồi dệt, thêu thùa, sửa chữa thêm quần áo cho bà con trong thôn – những công việc đòi hỏi ít phải di chuyển. Vì tay nghề khéo nên sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ đến đó, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều khách hàng đến đặt hàng với chị. Những chiếc túi đựng trầu, khăn đội đầu, những chiếc áo dân tộc Dao Đỏ được chị tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ nên khách hàng rất hài lòng và yêu thích. Khi khâu tay không thể đáp ứng được nhu cầu mà khách hàng yêu cầu, chị So mong ước có được một chiếc máy khâu, nhưng gia cảnh quá nghèo nên chị đã phải làm thêm việc trông giữ trẻ giúp gia đình khác để gom đủ tiền mua máy. Khi mua được máy khâu rồi thì trong chị lại mang nặng một nỗi buồn bởi mọi người xung quanh ai cũng xì xào bàn tán: hai chân tật nguyền như thế thì mua máy khâu làm gì cho phí tiền, có đạp được đâu mà may quần áo? Nhưng rồi, ai cũng phải khâm phục khi thấy mỗi ngày chị đều cố gắng đưa đôi chân của mình theo chiếc máy, lâu rồi thành quen và như một phản xạ tự nhiên, đôi chân tật nguyền của chị lại nhẹ nhàng đưa được máy một cách thành thạo. Từ đó chị may vá quần áo thuận tiện hơn, thêu, may các bộ trang phục cũng nhanh hơn, khách hàng tìm đến chị ngày một đông hơn. Cuộc sống kinh tế bắt đầu ổn định dần với chị. Không chỉ bà con trong thôn, xóm, những người cùng dân tộc Dao của huyện Bạch Thông biết đến tài năng của chị, bà con ở các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rỳ cũng đã tìm đến chị để may những bộ trang phục truyền thống. Với chị, chỉ cần thế thôi là mãn nguyện lắm rồi. Hạnh phúc cũng đã mỉm cười với chị khi ở cái tuổi gần tứ tuần. Đó là vào năm 2000, anh Học quê ở huyện Na Rỳ, do hoàn cảnh éo le, vợ bỏ đi để lại anh một mình gà trống nuôi con, cảm thông với hoàn cảnh của chị, anh Học đã ngỏ lời cùng chung sống. Hiện nay gia đình chị sống hạnh phúc bên cậu con trai của chồng. Sự vươn lên bằng nghị lực và ý chí của chị So luôn được bà con trong thôn yêu quý và học tập. Ở chị So luôn toát lên sự lạc quan yêu đời. Chị rất yêu văn nghệ, đặc biệt là hát lượn Páo dung của người Dao. Chị vẫn thường xuyên dạy hát cho chị em phụ nữ trong thôn với mong muốn những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc sẽ không bị mai một. Đặc biệt, khi xem các tiết mục múa của các dân tộc Tày, Dao, Mông, chị So chỉ cần xem một lần là nhớ và có thể dạy lại cho chị em trong thôn múa được ngay. Chính vì thế mà nhà chị luôn là nơi chị em trong thôn lui tới, cùng múa hát và chuyện trò. Với những cố gắng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa qua chị So cũng đã vinh dự được UBND huyện Bạch Thông tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bất kỳ ai trên thế gian này, đã là con người, chắc hẳn đều cũng muốn mình được xinh đẹp, tài giỏi và giàu có. Thế nhưng, không phải ai cũng có được đầy đủ những điều đó. Để đạt được ước mơ, mỗi người chúng ta đều phải nỗ lực vươn lên. Với những con người lành lặn, vươn lên trong cuộc sống đã là khó. Với một người tật nguyền như chị So, chúng ta thực sự cảm phục bởi ý chí và nghị lực phi thường của chị. Không những tự lo cho bản thân mình, chị còn là tấm gương của sự vượt khó đi lên, sống lạc quan yêu đời và có ích cho xã hội. Hy vọng bằng nghị lực và ý chí của chị, trong thời gian tới chị Sằm Thị So sẽ thêu được nhiều bộ trang phục truyền thống hơn nữa, sẽ tiếp tục truyền dạy những điệu hát, điệu múa truyền thống đến các thế hệ trẻ để góp phần gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Người phụ nữ vượt qua số phận
Đối với bà con dân tộc Dao sinh sống ở huyện Bạch Thông có lẽ đều không còn xa lạ với cái tên Sằm Thị So ở bản Nà Cà, xã Mỹ Thanh. Bởi người phụ nữ này rất nổi tiếng với tài may khéo, thêu đẹp, đặc biệt là các bộ trang phục truyền thống của người Dao Đỏ.