Năm 1973, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Miền Nam. Đến Năm 1989, ông xuất ngũ trở về quê hương và mang trong mình di chứng chất độc hóa học. Lúc bấy giờ cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Dũng cùng vợ quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy diện tích đất đai phù hợp với việc trồng các loại cây ăn quả, từ năm 2005, ông đã mày mò, học hỏi kinh nghiệm trồng hơn 1ha cây cam, quýt. Với ý chí, nghị lực của một người lính, không ngại gian khổ, ông đã từng bước gây dựng được nền tảng kinh tế cho gia đình, nuôi các con ăn học trưởng thành và có cuộc sống ổn định. Ngoài việc tập trung phát triển trồng cây ăn quả, với trên 3.000m2 ao, ông thả các loại cá như: Trắm, Rô phi, Mè, Chép…. 0,5 ha ruộng nước 2 vụ mỗi năm cho thu hoạch từ 4 đến 5 tấn thóc, kết hợp chăn nuôi lợn, trừ các khoản chi phí mỗi năm gia đình ông có nguồn thu ổn định gần 80 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, được biết từ năm 1995 đến nay, ông liên tục được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Pác Chang; luôn nhiệt tình trong các phong trào và tích cực đóng góp các loại quỹ hoạt động của địa phương; được bà con lối xóm tin yêu, mến phục và được các cấp hội đánh giá cao. Mặc dù hiện nay cuộc sống gia đình đã ổn định, con cái đã trưởng thành, nhưng không bằng lòng với kết quả đã đạt được. Ông dự định sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển thêm diện tích trồng cây ăn quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Tấm gương tiêu biểu của ông Luân Tiến Dũng cần phát huy và nhân rộng để các gia đình chính sách vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương, đặc biệt thể hiện tinh thần của người “Thương binh tàn nhưng không phế”- như lời Bác Hồ đã dạy.