NÂNG CAO HIỆU QUẢ MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI ĐẤT RUỘNG GIEO CẤY LÚA KÉM HIỆU QUẢ SANG TRỒNG CÂY CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ

0

Trong năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất gieo cấy lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế luôn được chính quyền từ huyện đến xã quan tâm chỉ đạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Trước đây, gần 3000 m2 đất ruộng của gia đình anh Hoàng Thái Học – Thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng chủ yếu là gieo cấy lúa. Tuy nhiên do khu vực này cao hơn suối, nên việc lấy nước gặp nhiều khó khăn. Năm 2019 thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bô diện tích này sang trồng cây ăn quả. Anh Học cho biết thêm: “Trước đây chưa thực hiện chuyển đổi cây trồng gia đình tôi chủ yếu là gieo cấy lúa, ngô nhưng hiệu quả thấp. Có năm thì bị thiếu nước, có năm thì mưa to nước lũ dâng cao tràn vào ruộng gây mất trắng. Từ lúc chuyển đổi diện tích này sang trồng cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.

 Mô hình chuyển đổi trồng táo tại xã Cẩm Giàng

Từ năm 2018 đến nay huyện Bạch Thông chuyển đổi được 315 ha đất gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất gieo cấy lúa được thực hiện đối với diện tích đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế thấp, thường xuyên bị ngập, úng hoặc khô hạn…sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, duy trì được quỹ đất trồng lúa. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng cây ăn quả, trồng dong riềng, trồng rau màu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc…

 Mô hình chuyển đổi trồng dưa lưới tại xã Tân Tú

Ông Hoàng Văn Thiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Quân Hà cho biết: “Để việc chuyển đổi diện tích đất gieo cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, hàng năm xã thực hiện kiểm tra, đánh giá các diện tích lúa nước thường xuyên bị 2 thiếu nước, năng suất thấp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như: Rau, đậu đỗ, cây ăn quả…. Nhiều mô hình người dân chuyển đổi đã cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so gieo cấy lúa”.

Để việc chuyển đổi đất gieo cây lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế đạt được kết quả, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân duy trì diện tích hiện có. Thường xuyên rà soát diện tích, xây dựng phương án cụ thể, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích đất ruộng trồng lúa không hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng có giá trị sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương./.

Thanh Tuyền