Sau 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” đã được cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện quan tâm triển khai thực hiện. Đề án đã thu được những kết quả nhất định, tuy nhiên hoạt động lựa chọn và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp còn chưa thực sự rõ nét và có sức lan tỏa.
Để tạo điều kiện cho Hội liên hiệp phụ nữ thực hiện Đề án cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai sâu rộng nội dung của Đề án. Tổ chức tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của phụ nữ mới khởi nghiệp. Từ năm 2017 đến nay huyện tổ chức mở 13 lớp tập huấn kiến thức về khởi nghiệp kinh doanh, kỹ năng bán hàng online, kiến thức về thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác cho 690 chị cán bộ, hội viên, phụ nữ, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia. Hỗ trợ 25 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Chị Lê Thị Hiền – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vi Hương cho biết: “Để triển khai thực hiện Đề án Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế của huyện, lồng ghép triển khai thực hiện đề án, vận động hội viên phụ nữ đăng ký tham gia khởi nghiệp khởi sự kinh doanh; cung cấp kiến thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong các buổi truyền thông, tập huấn, sinh hoạt của Chi hội”.
Hợp tác xã Thiên An, xã Vi Hương là một trong những HTX do phụ nữ quản lý hoạt động có hiệu quả
Việc lồng ghép hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các chương trình, đề án đang triển khai cũng được huyện quan tâm thực hiện như: Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm”, từ năm 2017 đến nay đã hỗ trợ thành lập 05 tổ hợp tác và 06 Hợp tác xã do phụ nữ quản lý hoạt động hiệu quả. Hỗ trợ thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm, đăng ký thi sản phẩm OCOP cho các HTX Dịch vụ NN Hợp Giang, xã Lục Bình; HTX Thiên An, xã Vi Hương; HTX Hương Ngàn, xã Nguyên Phúc; Tổ hợp tác nông nghiệp xã Quân Hà, xã Quân Hà; Tổ Hợp tác Nông sản sạch Phiêng An, xã Quang Thuận, Tổ Hợp tác chè bản dao, xã Đôn Phong. Kết quả đến nay có 22 sản phẩm của phụ nữ đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Lồng ghép với dự án “Cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng” hỗ trợ 03 nhóm phụ nữ về trồng rau sạch tại thôn Nà Lầu, xã Tân Tú, thôn Nà Lốc, Nà Rào, xã Nguyên Phúc. Tư vấn, hỗ trợ các phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Bắc Kạn, Quỹ Chung sức vì cộng đồng huyện Bạch Thông để có vốn vào đầu tư sản xuất.
Bà Ngôn Thị Chanh – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động lựa chọn và xây dựng ý tưởng khởi nghiệp còn chưa thực sự rõ nét và có sức lan tỏa; kinh phí cho triển khai Đề án còn hạn chế, các hoạt động tổ chức thực hiện Đề án mới chỉ đạt được đến công tác tuyên truyền tập huấn, hỗ trợ thành lập mô hình, hỗ trợ ý tưởng tham gia thi Ngày phụ nữ khởi nghiệp. Hầu hết các ý tưởng khởi nghiệp được đăng ký đều dựa trên các mô hình phát triển kinh tế sẵn có của gia đình Hội viên, chưa tìm được mô hình mới để hướng dẫn khởi nghiệp. Hoạt động tìm kiếm kết nối thị trường, giới thiệu các sản phẩm, tìm kiếm đầu tư, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương hiệu quả chưa cao”.
Tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung của Đề án, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ trên địa bàn về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, giúp phụ nữ mạnh dạn thực hiện hóa các dự án khởi nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cân đối nguồn ngân sách, từ đó cấp kinh phí để triển khai các nội dung của kế hoạch. Quan tâm tổ chức ngày Phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức hoạt động vinh danh, kết nối tìm kiếm nhà đầu tư, tổ chức cho các ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp trong huyện được đi thực tế trao đổi kinh nghiệm hoạt động khởi nghiệp tại các địa phương khác…/.
Thanh Tuyền