NÀ CÁY CHUYỂN MÌNH

0

Nà Cáy là thôn người Dao cách trung tâm xã Cao Sơn hơn 14km, là thôn đặc biệt khó khăn nhưng những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân trong thôn đã và đang nỗ lực vươn lên xây dựng một cuộc sống ấm no hơn.

Để đến được thôn Nà Cáy, từ trung tâm xã Cao Sơn, chúng tôi phải gồng mình giữ chắc tay lái đi trên con đường đất dốc cao với đá hộc lởm chởm, một bên là vực một bên là núi, xe máy chỉ đi được theo một lối mòn nhỏ mà thường ngày bà con vẫn đi, còn lại kế bên là những rãnh sâu do mưa to cuốn trôi đất đá, cây cỏ dại mọc um tùm. Ngày nắng còn đi được chứ ngày mưa thì đành chịu.

Vật lộn với con đường khoảng hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi cũng đến nơi. Nà Cáy hiện ra với những nếp nhà nhỏ nằm gọn dưới thung lũng, giữa những dãy núi sừng sững. Trong căn nhà nhỏ, trưởng thôn Bàn Hữu Dần, chia sẻ:

Thôn Nà Cáy có 19 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Khoảng chục năm về trước, Nà Cáy cứ luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói, trước hết là do địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên và hạ tầng cơ sở phục vụ cho phát triển sản xuất ở đây còn rất khó khăn. Trước khi được làm đường, muốn lên UBND xã bà con phải đi bộ mất 1 ngày liền, các sản phẩm nông sản làm ra chỉ để tự cấp, tự túc vì không có chợ để giao thương, giao thông cách trở

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, việc thực hiện các chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới… đầu tư cho thôn các công trình đường giao thông, trường học, nhà họp thôn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… đã có tác động mạnh mẽ giúp cho đời sống của bà con dân tộc ở thôn vùng cao này như được tiếp thêm luồng sinh khí mới.

Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang 

Năm 2010 Nhà nước đầu tư mở mới tuyến đường liên xã nối từ trung tâm xã Cao Sơn qua Nà Cáy và thông ra xã Mỹ Thanh. Có đường giao thông thuận lợi người dân đi lại thuận tiện hơn, sản phẩm làm ra đươc đem ra ngoài tiêu thụ, bà con dễ dàng ra ngoài thôn giao lưu học hỏi nhiều cái mới trong sản xuất, sinh hoạt tạo tiền đề để Nà Cáy có bước chuyển mới. Các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất trong những năm gần đây đã giúp bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Cụ thể, thực hiện Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 135 và Phương án hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp của phòng nông nghiệp huyện Bạch Thông, từ năm 2014 đến nay, thôn Nà Cáy đã được hỗ trợ nhiều đợt con giống và cây trồng gồm: cây cam, trên 1.300 cây quýt, trên 1.400 cây hồng, 1.020 cây mận tam hoa và 1.020 cây mận sớm; 01 con lợn đực giống Táp Ná; 12 con lợn nái Móng Cái; 09 con dê; 04 con bò. Từ việc người dân quanh năm vốn chỉ biết gắn bó với cây lúa, cây ngô, thì vài năm nay đã có thêm cây trồng mới để canh tác, có giống vật nuôi để tạo đà phát triển sản xuất…

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại thôn cũng từng bước được quan tâm đầu tư. Năm 2016 nhà họp thôn Nà Cáy được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn chương trình 135 với số tiền hơn 800 triệu đồng. Phát huy vai trò của nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện chương trình xây dựng nông mới, năm 2017 thôn Nà Cáy đã bê tông hóa được 02 đoạn đường nội thôn với tồng số tiền 1 tỷ 100 triệu đồng trong đó nhà nước hỗ trợ gần 800 triệu đồng, nhân dân đóng góp ngày công lao động và tham gia hiến đất với tổng số tiền trên 300 triệu đồng.

Một niềm vui lớn đối với người dân Nà Cáy đó là cuối năm 2017 dòng điện lưới quốc gia đã về thôn giúp cho cuộc sống của bà con được mở ra một trang mới. Chị Triệu Thị Thanh – người dân của thôn vui mừng chia sẻ:

“Dịp gần Tết năm ngoái thì có điện, bà con trong thôn mừng lắm! Trước đây chưa có điện, xay xát chúng tôi phải chở ra ngoài xã Mỹ Thanh, nhiều lúc mưa gió cả tuần liền, đường trơn không đi xát được còn không có gạo ăn. Từ khi có điện, mọi sinh hoạt đều dễ dàng hơn, nhất là việc cho con ăn học. Nhà tôi đã cố gắng sắm được cái tivi để xem tin tức và mua được 1 chiếc tủ lạnh nhỏ để dự trữ đồ ăn…”

 Người dân đã mua được máy xay xát 

Mặc dù khó khăn cũng còn nhiều, nhưng có thể thấy rằng Nà Cáy hôm nay đã có nhiều đổi thay, những ngôi nhà được làm kiên cố, những chiếc chảo thu phát sóng truyền hình được gắn trên mái nhà, các hộ gia đình hầu như đều đã có xe máy làm phương tiện đi lại… Bà con trong thôn nỗ lực phát triển sản xuất, chăm sóc các diện tích cây ăn quả được cấp, trồng rừng sản xuất và phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn. Một số mô hình bước đầu có triển vọng. Các hủ tục lạc hậu đã từng bước được xóa bỏ, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp…

Tuy nhiên, để xóa nghèo một cách bền vững, thì nhân dân thôn vùng cao Nà Cáy vẫn cần lắm sự quan tâm của các cấp, ngành. Mong một ngày không xa, đường đến thôn sẽ bớt gian nan hơn và cuộc sống của bà con Nà Cáy sẽ ngày một khởi sắc hơn…./.