MỸ THANH MÙA THU HOẠCH CHÍT

0

Đến xã Mỹ Thanh huyện Bạch Thông những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh chít được phơi thành những hàng dài từ hè đường đến sân nhà, thậm chí ở cả vườn rau, ngoài đồng ruộng…Từ loại cây này mà nhiều hộ dân đã có nguồn thu nhập khá.

 Bà con xã Mỹ Thanh đã thu hoạch chit

Đến Thôn Phiêng Kham vào một buổi sang tháng Giêng, ánh nắng vàng rực bắt đầu lên đỉnh núi, bắt gặp hình ảnh bông chít được phơi khắp nơi, hương chít non thơm thoang thoảng trong gió. Theo chân vợ chồng ông Lý Đức Hữu đi thu hoạch chít tại đồi của gia đình. Để đến được đồi chít phải đi qua một con khe và leo đồi. Đoạn đường chỉ chừng 1km nhưng tương đối vất vả bởi ngọn đồi khá cao, dốc đứng. Đồi chít hiện ra là những gốc chít cao chừng 2,5-3m mọc san sát nhau với một rừng bông đu đưa trong nắng gió. Đứng trên đồi cao mới thấy hết được bao la là chít, trải dài theo các triền đồi. Đâu đó vang vọng tiếng chặt chít, tiếng cười nói của các cô, bác hái chít ở những đồi kế bên…chia sẻ với chúng tôi Anh Lý Đức Hữu, người dân tộc Dao thôn Phiêng Kham xã Mỹ Thanh nói: Ở đây nhà nào cũng trồng chit, đối với cây chit trồng dễ hơn cây lúa, công chăm sóc ít giá đầu vụ là 23.000đ/ kg chít khô, chít tươi là 6.000đ/kg…

Xã Mỹ Thanh hầu như thôn nào cũng trồng chít, nhưng chít chủ yếu được trồng tại ba thôn Phiêng Kham, Châng và Nà Cà. Cây chít có ưu điểm là dễ trồng, phù hợp với mọi loại đất, chi phí đầu tư thấp lại tốn ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, chịu tác động của nhiều loại hình thời tiết. Thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ trong vòng một năm đã cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch xong chỉ cần phát khóm chít cũ là sang năm cây lại mọc tiếp mà không phải mất công trồng lại.  Để cây chít phát triển tốt, người dân phải trồng đúng vụ, thường là từ tháng 5 đến tháng 6 dương lịch khi thời tiết bước vào mùa mưa, lúc này độ ẩm trong đất cao giúp cây chít nhanh thích nghi, sinh trưởng. Tuy nhiên qua hai ba năm thì gốc chít phát triển quá dày, cây mọc sát nhau quá nên bị bé, chậm phát triển cho nên hàng năm bà con phải đốt hết những gốc cũ này và trồng thêm nhiều gốc mới. Bà Triệu Thị Lai ở thôn Phiêng Kham là người đứng ra thu gom chít từ nhiều năm nay cho biết: Vụ chít năm 2018, cơ sở của bà thu được khoảng 40 tấn chít khô. Dự kiến vụ chít năm nay cân được khoảng trên 30 tấn, giá thu mua hiện tại là 5 nghìn đồng/kg chít tươi và 20-21nghìn đồng/kg chít khô. Để đảm bảo việc cân mua chít và phơi chít, mỗi ngày bà Lai thuê thêm 8-10 nhân công là bà con trong khu vực. Bông chít ở đây chủ yếu chở về tiêu thụ cho các làng nghề truyền thống tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh

 Bà con đang phơi chít

Theo người dân địa phương, giá thu mua bông chít khá ổn định, bình quân chít tươi có giá 5-6 nghìn đồng/kg, chít khô có giá dao động khoảng 20 nghìn đồng/kg. Hiện nay, hầu hết sản phẩm chít trên địa bàn đều được các tư thương đến tận nơi để thu gom, người dân không phải mất công tìm đầu ra. Ngoài một số tư thương tại thành phố Bắc Kạn vào cân mua thì trên địa bàn hiện nay cũng có một vài người đứng ra thu gom chít cho người dân. Trao đổi với chúng tôi chí Trịnh Tiến Sơn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: Đây chỉ là cây trồng cho thu nhập thời vụ nhưng nhờ có giá trị kinh tế, thị trường đầu ra lại ổn định chính vì vậy bà con nhân dân đã đua nhau trồng, đến nay cả xã có tới 60 ha chít tự trồng. So với nhiều loại cây trồng khác, cây chít cho thu nhập cao lại không tốn công chăm nên được bà con trong xã trồng nhiều, góp phần tăng thu nhập cho bà con trong xã.

Thực tế cho thấy cây chít đã trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế khá cho nhân dân xã Mỹ Thanh. Bởi vậy, tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi ích kinh tế từ cây chít, đồng thời tính toán tới phương án thành lập cơ sở hoặc tổ, nhóm, hợp tác xã đan chổi chít tại địa phương để tận dụng được nguyên liệu tại chỗ, khai thác tối đa tiềm năng cũng như lao động địa phương, tạo sự phát triển bền vững, tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo là điều cần thiết./.