Dưới những cánh rừng đại ngàn tưởng chừng ngủ quên sau một mùa khô dài, khi hạt mưa đầu mùa rơi xuống bỗng bừng tỉnh, nhiều thứ lộc rừng hình thành giúp sinh kế cho bao phận nghèo. Nhờ vậy, cuộc sống của họ bớt phần khó khăn hơn, dần ổn định.
Thương lái vào mua măng của người dân thôn Bản Chiêng xã Đôn Phong
Ngoài mật ong, nấm… thì măng rừng được coi là một trong những sản vật phong phú mà thiên nhiên núi rừng ban tặng. Với đặc điểm là huyện miền núi với bao la các cánh rừng, có nhiều loại họ tre cho măng như: nứa, tre, vầu…Thời gian từ tháng 1, đến tháng 4 âm lịch, cũng là mùa măng mọc nhiều nhất. Đây cũng là thời điểm người dân xã Đôn Phong bước vào mùa tìm măng Vầu. Đối với bà con nơi đây, măng không chỉ là thức ăn mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình sau khi ăn tết xong.
Trời vừa hừng sáng, sau bữa cơm sáng đủ no, tại thôn Nà Lồm, một nhóm khoảng 6-8 người, trong đó có nhiều người là cặp vợ chồng, trên những chiếc xe máy mang theo dụng cụ chuyên dùng như thuổng, bao, gùi và một phần cơm trưa, xuất phát đi xe máy khoảng 2 km mới đến khu vực có đồi vầu, rồi họ lại tiếp tục đi thêm khoảng 20 phút đi bộ mới đến chỗ có mặc mọc và bắt đầu một ngày mưu sinh bằng nghề tìm măng rừng. Ông Bàn Phúc Minh, thôn Nà Lồm cho biết: “ Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào việc khai thác lâm sản phụ từ rừng, đặc biệt là củ măng Vầu. Đào được củ măng không dễ, vất vả lắm, vắt cắn, muỗi đốt nhưng để kiếm được măng cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật, đôi mắt phải sáng, linh hoạt mới phát hiện ra măng. Công việc đòi hỏi sự cần cù, chịu khó”
Từ đầu mùa đến nay có rất nhiều người đi tìm măng nên phải đi sớm và vào sâu trong rừng thì mới có măng mọc. Thường tầm 3-4 giờ chiều là thời điểm người dân tập kết măng ra khỏi rừng để trở về nhà. Bình quân mỗi ngày 2 vợ chồng chị Lý Thị Tuyên đào được từ 70 – 100 kg măng. Măng tìm về chủ yếu bán tươi cho thương lái. Ở thời điểm đầu mùa măng tươi có giá từ 25 – 30 nghìn đồng/1kg, hiện nay giá măng Vầu khoảng 10.000 đồng/kg… Với giá cả như hiện nay cũng mang lại cho gia đình chị Lý Thị Tuyên nguồn thu nhập kha khá mỗi ngày.
Chị Bàn Thị Thắm thôn Nà Pán cho biết thêm: “Làm ruộng chỉ đủ ăn thôi, còn tiền thì chủ yếu là từ bán măng rừng. Đến mùa măng rừng, mỗi gia đình nếu chăm có thể kiếm được hơn 30,40 triệu đồng. Măng rừng đầu mùa đắt, còn giờ cũng đã rẻ đi nhiều”.
Không chỉ ở xã Đôn Phong mà một số xã như Vi Hương, Lục Bình người dân cũng đi tìm măng về bán. Bà Triệu Thị Âm – thôn Thuỷ Điện, xã Vi Hương cho biết: “ Hằng năm cứ đến tháng 11 âm lịch bà lại cùng gia đình đi tìm măng về bán để lấy tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Có tuổi rồi nên mỗi ngày bà chỉ đi tìm được 10 đến 15 kg măng. Tôi không bán măng tươi mà luộc chín rồi mới bán, vì bán chín giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với bán tươi. Mình chịu khó thì kiếm thêm được vài chục ngàn đồng.”
Măng có mặt ở hầu khắp các cánh rừng trên địa bàn huyện khi mùa mưa đến. Ở đâu có bóng dáng họ cây nhà tre thì ở đấy có những búp măng đang đua nhau nhú lên. Mặc dù năm nào cũng nhiều người tìm măng nhưng măng vẫn rất nhiều. Bởi vì sức sống của cây Vầu, nứa rất mạnh mẽ, dẻo dai, tre già thì măng mọc.
Hiện nay, khoa học kỹ thuật có nhiều tiến bộ, con người đã lai tạo ra nhiều giống măng cho thu hoạch quanh năm, nhưng những búp măng rừng vẫn có sức hấp dẫn riêng mỗi khi mùa mưa về và đó cũng là món ăn dân dã không thể thiếu của mỗi người dân vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cũng nhờ thế mà bà con lại có những ngày tìm măng vất vả, nhưng bù lại họ và gia đình có được những bữa cơm đầy đủ, cuộc sống ấm no hơn./.
Đào Kiên