Mô hình nuôi vịt đẻ trứng của hội viên nông dân Vũ Đình Khiên, ở thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc những năm gần đây đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền.
Gia trại của ông Vũ Đình Khiên có diện tích trên 6000m2, gia trại được gia đình ông xây dựng và bố trí ngay sát bờ suối, khu chuồng trại được xây trải dài trên gò đất cao, xung quanh có cây xanh, tạo thoáng mát, sạch sẽ, có 2 lò ấp trứng vịt lộn cùng với một máy phát điện dự phòng khi mất điện được đặt tách biệt với khu chuồng trại, quy mô gia trại được sắp xếp quy hoạch rất khoa học. Chia sẻ với chúng tôi ông Khiên cho biết: “Khu đất này trước kia gia đình ông đã từng làm gạch thủ công nhiều năm nhưng gây ô nhiễm môi trường nên đã bỏ, thấy khu đất cạnh suối thuận lợi cho chăn nuôi nên ông đi học hỏi nhiều nơi và chuyển sang đầu tư nuôi vịt đẻ trứng. Năm 2017 ông về tận tỉnh Hưng Yên mua 2000 con giống vịt siêu trứng và cám nuôi vịt. Hiện nay, đàn vịt đẻ trứng luôn duy trì trên 2.500 con và thường xuyên nuôi gối 3000 con để thay thế khi đàn vịt sau hai năm đẻ năng xuất, sản lượng trứng giảm dần”.
Mô hình vịt đẻ trứng của hội viên Vũ Văn Khiêm, thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi tốt và công tác phòng dịch bệnh luân được quan tâm, đến nay đàn vịt của ông luôn phát triển ổn định, đàn vịt đẻ đều đặn, bình quân 1.800 quả trứng/ngày. Với giá bán giao 3000đ/quả tại các phiên chợ và các cửa hàng trong vùng, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông lãi hơn một trăm triệu đồng. Nói về bí quyết chăn nuôi thành công của mình, ông Khiên chia sẻ thêm “Nuôi vịt đẻ trứng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, cần chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc, cũng như phòng trừ dịch bệnh. Nhất là khâu chọn giống, nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Từ lúc thả giống đến khi được 4 – 5 tháng, vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng 2 năm. Trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, khẩu phần ăn của vịt được kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn và phụ phẩm nông nghiệp như rau muống, chuối cây băm nhỏ trộn lẫn ngô, cám để đàn vịt khoẻ mạnh cho sản lượng trứng cao. Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên, tiêm phòng vắc xin định kỳ và không được tiêm bất cứ một loại kháng sinh nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ. Ngoài ra, để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, phải chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm từ 3 – 5 giờ/đêm để kích thích vịt đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao.”.
Không chỉ nuôi vịt đẻ và từ tiền bán trứng ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 08 nái trắng lợn lai sinh sản để gia đình nuôi lợn thịt, đầu năm 2022 vừa xuất bán 1,5 tấn lợn thương phẩm và chuẩn bị xuất bán tiếp lứa nuôi gối dự kiến khoảng 2 tấn, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động mà đến nay gia đình ông Khiên đã xây được nhà cửa khang trang, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả trong xã. Ông Lê Hoàng Dưỡng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bạch Thông cho biết: “Mô hình nuôi vịt đẻ trứng của hội viên nông dân Vũ Đình Khiêm là một hướng đi mới, không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn cung cấp sản phẩm từ trứng cho thị trường. Thành công từ mô hình nuôi vịt đẻ trứng của gia đình ông Khiên đã góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện”.
Đầu tư xây dựng quy mô chuồng trại bài bản, gắn chăn nuôi với phòng chống dịch bệnh, hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi vịt đẻ của gia đình ông Khiên mang lại đã và đang là mô hình cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Bạch Thông có ý tưởng gắn bó phát triển kinh tế từ đàn gia cầm đến thăm quan. Học tập kinh nghiệm./.
Ngọc Diệp