Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam là một dịp để xã hội tôn vinh những người đã và đang công tác trong ngành giáo dục, những người vẫn miệt mài ngày đêm với sự nghiệp trồng người. Ngày 20/11 từ lâu đã trở thành ngày hội lớn được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Với ý nghĩa cao quý bắt nguồn từ truyền thống tôn sư trọng đạo và những giá trị văn hoá ngàn đời của dân tộc ta. Toàn xã hội hướng về và dành cho các thầy giáo, cô giáo những tình cảm trân trọng quý mến và biết ơn, đó chính là món quà tinh thần vô giá cho tất cả thầy giáo, cô giáo chúng ta.
Lịch sử ra đời ngày nhà giáo Việt Nam gắn liền lịch sử của tổ chức giáo dục tiến bộ trên thế giới. Tháng 7 năm 1946, liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục được thành lập và năm 1949 đã xây dựng bản hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi và đề cao nghề dạy học. Đến năm 1975, tại thủ đô Vác sa va (Ba Lan), Hội nghị quốc tế các tổ chức của các nhà giáo lần thứ hai với 57 nước tham gia, đại diện cho 105 triệu giáo viên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
Trên cơ sở kế thừa ngày hiến chương nhà giáo quốc tế, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng thời để tôn vinh người thầy, phát huy đạo lý “tôn sư trọng đạo” cao đẹp từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng, nay là chính phủ nước CHXHCNVN đã ban hành quyết định số 167 lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó đến nay, ngày 20/11 đã thực sự trở thành ngày lễ trọng đại, ngày Hội của những người cầm phấn trong sự kính trọng, biết ơn, tri ân của toàn xã hội. Đây chính là món quà tinh thần vô giá dành cho nghề giáo.
Trải qua biết bao những thăng trầm biến động của lịch sử, giáo dục Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách kiên trì phấn đầu theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Ngay từ khi nền giáo dục cách mạng mới thành lập còn non trẻ, giáo dục Việt Nam đã phải đối mặt với nạn “giặc dốt” khi đại đa số đồng bào bị mù chữ. Thế nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; Người đã đặt nhiệm vụ diệt “giặc dốt” ngang hàng với diệt “giặc đói”, “giặc ngoại xâm”; phong trào bình dân học vụ khắp cả nước đã dấy lên rầm rộ. Để rồi, trong suốt chiều dài lịch sử, với hai cuộc kháng chiến thần kì chống Thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, trong mưa bom bão đạn; hình ảnh biết bao em học sinh vẫn đội mũ rơm đi học trường làng, tiếng hát át tiếng bom, đã trở thành minh chứng sinh động cho tinh thần kiên cường bất khuất, tinh thần hiếu học của dân tộc ta. Bước sang thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên con đường hội nhập quốc tế, hơn lúc nào hết, Đảng ta đã xác định tầm quan trọng, vai trò của giáo dục trong việc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” với phương châm: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Có thể khẳng định: dưới ánh sáng quan điểm chỉ đạo của Đảng và tư tưởng xuyên suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục nước ta đã có đủ nhân tố để phát triển, để khẳng định, làm tròn sứ mệnh hết sức nhọc nhằn nhưng không kém phần cao cả, thiêng liêng.
Dù trong bối cảnh nào, chúng ta cũng thật tự hào khi non sông Việt Nam đã sinh ra bao người con ưu tú, bao nhà giáo trở thành những người thầy vĩ đại mà tên tuổi họ mãi đi cùng năm tháng, bám rễ tươi xanh trong cuộc đời. Từ thầy giáo Chu Văn An đã khảng khái dâng sớ chém 7 tên lộng thần, rồi cáo quan về quê dạy học trở thành huyền thoại; đến cụ Đồ Chiểu với khí tiết thanh cao, nghị lực phi thường trong sự ngưỡng mộ, tôn thờ của đồng bào Nam Bộ. Đặc biệt, Bác Hồ kính yêu của chúng ta – thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng có những tháng năm đứng trên bục giảng của trường Dục Thanh, là người thầy vĩ đại nhất đã khai sinh và đem ánh sáng cho dân tộc Việt Nam … Để rồi, tiếp bước truyền thống vẻ vang của nghề giáo, có biết bao tấm gương ngời sáng đã hiến dâng mình cho sự nghiệp thay Đảng rèn người. Trong chiến tranh, đã có không ít nhà giáo cầm súng ra trận và họ vĩnh viễn nằm lại giữa chiến trường, máu xương hòa vào lòng đất mẹ; có biết bao anh thương binh vẫn đến trường làng, in vết chân tròn trên cát… Trong cơn lốc cơ chế kinh tế thị trường với bao cạm bẫy hiện nay, trân trọng biết bao khi đội ngũ nhà giáo vẫn vững vàng, không làm hoen ố lương tâm. Dẫu còn đó những vất vả nhọc nhằn của nghề cầm phấn; dẫu còn đó những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật; thế nhưng trên hành trình gieo hạt, ươm mầm để làm nên bao trái ngọt, người thầy vẫn cháy lên ngọn lửa của niềm đam mê với trái tim trĩu nặng tình yêu thương. Họ vẫn tận tụy, say sưa không một lời kêu ca, không một lần phàn nàn tính toán thiệt hơn, vẫn hy sinh thầm lặng trong niềm hạnh phúc rất đỗi bình dị của “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”; ngày đêm lặng lẽ, âm thầm cống hiến như người lái đò thầm lặng, như con ong cần mẫn hút nhụy hoa để làm mật cho đời; như ngọn nến cháy hết mình để soi đường cho biết bao thế hệ học trò thân yêu./.
Sưu tầm.