KIỂM TRA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN

0

Chiều ngày 28/5/2024, tại UBND thị trấn, Đoàn công tác của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn do bà Vi Thị Thuý, Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Bạch Thông về công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu phi, tái phát triển đàn lợn trên địa bàn. Dự làm việc với đoàn có ông Đàm Mạnh Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

 Đoàn công tác làm việc tại UBND xã Vi Hương

Theo báo cáo của huyện, tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn phát hiện vào tháng 3/2024, dịch xuất hiện tại thôn Tân Hoan xã Tân Tú. Đến tháng 5/2024 dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, đã công bố dịch tại 11/14 xã, thị trấn gồm (Dương Phong, Quang Thuận, Đôn Phong, Nguyên Phúc, Cẩm Giàng, Vy Hương, Lục Bình, Sỹ Bình, Tân Tú và Thị trấn Phủ Thông). Tổng số lợn tiêu hủy tới thời điểm ngày 27/5/2024 là 332 con với tổng trọng lượng 13.486 kg. Sau khi dịch tả lợn Châu phi bùng phát, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, dập dịch theo quy định. Tăng cường quản lý việc tái đàn lợn và các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thống kê toàn bộ các hộ buôn, bán lợn tại địa bàn quản lý, tổ chức ký cam kết đối với các hộ buôn, bán và chăn nuôi lợn. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hoá chất để thực hiện công tác khử trùng tiêu độc, vệ sinh môi trường. Công tác thông tin tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh và kết quả phòng chống dịch bệnh theo quy định.

 Đoàn công tác làm việc với UBND huyện và thị trấn Phủ Thông

Qua làm việc thực tế với UBND xã Vi Hương và UBND thị trấn Phủ Thông cho thấy, các xã đã chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBND huyện và cơ quan chuyên môn tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền hướng dẫn các hộ dân chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; phun hoá chất, rắc vôi bột tại tất cả các khu vực chăn nuôi tập trung…theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thú y cơ sở trong công tác phòng, chống dịch./.

Ngọc Diệp