Thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, là thôn được chọn để thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021- 2025”. Đến nay sau hơn một năm triển khai, nhiều nội dung vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Đến với thôn Phiêng An, sau hơn một năm triển khai đề án mô hình điểm về du lịch nông thôn, có thể dễ dàng nhận thấy điểm mới đó là chiếc cổng chào được xây dựng ở đường lên thôn khá ấn tượng. Ngoài xây cổng chào, năm 2021, UBND xã Quang Thuận và thôn Phiêng An đã triển khai thực hiện được một số nội dung của đề án như: trồng hoa, cây cảnh dọc 2 ven đường vào thôn, đường đi bộ tham quan trải nghiệm tại các khu vườn và xây dựng Đội văn nghệ Dao đỏ của thôn với tổng kinh phí là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay một số hạng mục như nhà trưng bày, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng chưa được xây dựng theo đúng kế hoạch mà đề án đã phê duyệt. Không chỉ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, việc lập quy hoạch tổng thể, chi tiết về các hạng mục xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Phiêng An còn lúng túng, chậm so với tiến độ dẫn đến các nhiệm vụ khác chưa triển khai được đồng bộ, hiệu quả.
Người dân thôn Phiêng An trồng con đường hoa
Ông Hoàng Nguyên Hữu – Trưởng thôn Phiêng An, xã Quang Thuận cho biết: “Thôn Phiêng An hiện có 27 hộ dân với 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào người Dao chiếm 90%. Nằm ở địa thế đẹp, gần thành phố, lại có những vườn cây ăn quả, đồi chè đẹp, thích hợp cho du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, nhận thức của người dân trong thôn về phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế, việc xây dựng sản phẩm du lịch của thôn chưa có nhiều, nên số lượng khách đến thăm quan trải nghiệm còn ít”.
Hiện nay thôn Phiêng An còn thiếu 2 tiêu chí quan trọng là thiết chế văn hóa và môi trường. Nhận thức về việc thực hiện vệ sinh môi trường của người dân ở mỗi hộ gia đình chưa được nâng cao do việc triển khai các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch, tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cho người dân chưa được triển khai.
Hái chè – một trong những sản phẩm du lịch thu hút nhiều người đến thăm quan, trải nghiệm
Ông Phạm Văn Hòa – Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện cho biết: “ Phát triển du lịch cộng đồng chủ thể chính là người dân, phải do chính người dân trong thôn thực hiện, do đó để nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất, tỉnh cần sớm tổ chức cho người dân đi thăm quan học tập làm du lịch sinh thái tại các địa phương, để bà con bắt tay vào thực hiện so cho bài bản, có hiệu quả nhất. Ngoài ra, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm giúp đỡ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc thực hiện đề án …”
Xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn là chủ trương mang nhiều ý nghĩa thiết thực góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo thêm sinh kế cho người dân để nâng cao thu nhập và đời sống. Tuy nhiên, việc xây dựng thôn thành mô hình điểm về du lịch cộng đồng còn rất nhiều việc phải làm tư đầu tư cơ sở hạ tầng đến việc thiết kế những sản phẩm du lịch riêng biệt, đặc sắc. Do đó việc tuyên tuyền, tổ chức cho người dân tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh để nâng cao nhận thức, sẵn sàng tham gia vào mô hình dịch vụ du lịch mới cũng cần phải được triển khai sớm hơn, vì khi lòng dân thuận thì các nội dung khác của đề án vận động như hiến đất cho các công trình chung, đóng góp ngày công lao động… sẽ được thực hiện nhanh hơn./.
Thanh Tuyền