Bà con tiến hành trồng, chăm sóc cây ngô vụ mùa |
Thời gian qua, mặc dù chính quyền xã đã ưu tiên vốn, hỗ trợ người dân về cây giống để nâng cao thu nhập nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn cao. Cái nghèo bao nhiêu năm cứ đeo bám. Thoát nghèo không chỉ là trăn trở của người dân mà là bài toán khó của chính quyền xã Cao Sơn. Năm 2018, toàn xã có 216 hộ với 866 nhân khẩu, trong đó số hộ nghèo 75 hộ chiếm 34,7%, hộ cận nghèo 33 hộ chiếm 15%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10 triệu đồng. Xã được Chương trình 135 hỗ trợ cho từng tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để giúp hội viên con giống, trâu, bò, lợn, gà…được đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng và một số công trình phúc lợi khác, các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật được mở tại xã nên từ đó đã giúp người dân chủ động áp dụng KH – KT vào sản xuất và chăn nuôi. Trao đổi với chúng tôi bà Đặng Thị Hằng – Phó chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: “Về công tác xóa đói giảm nghèo là vấn đề hết sức nan giải, đất canh tác không chủ động được nguồn nước tưới tiêu, đầu ra của nông sản không ổn định, về chăn nuôi giá cả bấp bênh nên thu nhập cũng khó khăn.Việc đánh giá công tác rà soát hộ nghèo còn nhiều bất cập, các tiêu chí chưa phù hợp với địa phương và vùng miền, tình trạng người dân chông trờ ỷ lại vào các chế độ chính sách của nhà nước vẫn còn nên đã ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo tại địa phương”
Toàn cảnh làng bản xã Cao Sơn |
Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao do một số nguyên nhân như: Đất ruộng ít, nước tưới tiêu không thuận lợi nên chỉ sản xuất được một vụ. Diện tích rừng hiện tại của xã có nhiều nhưng thuộc khu bảo tồn, rừng phòng hộ của nhà nước, bà con chỉ có thể canh tác nhỏ lẻ tại một số diện tích đất của gia đình. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông liên thôn đi lại còn rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, gây cản trở rất nhiều đến sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân. Thêm nữa, với địa hình phức tạp, nhận thức của bà con chưa đồng đều, người dân tại các thôn thường sống rải rác trên vùng núi cao cũng gây nhiều khó khăn đến công tác xóa đói, giảm nghèo… Trao đổi với chúng tôi bà Đặng Thị Hằng, Phó chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết thêm: “ Để công tác giảm nghèo của xã thực hiện có hiệu quả nên hỗ trợ hộ nghèo nên thay đổi hình thức như: Hỗ trợ đầu ra sản phẩm, hỗ trợ cây, con giống phù hợp với điều kiện và khí hậu của địa phương, tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con để áp dụng và sản xuất, chăn nuôi từ đó sẽ tạo điều kiện cho bà con có sự cố gắng và vươn lên thoát nghèo”
Để người dân xã Cao Sơn thoát nghèo một cách bền vững, bên cạnh các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì việc đào tạo nghề cho người nghèo gắn với giải quyết việc làm cùng với công tác tuyên truyền vận động ý thức tự vươn lên của các hộ dân cũng cần được quan tâm hơn. Để làm được như vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở địa phương./.