Hội thảo đã tham luận về vấn đề thực phẩm bẩn, những thuận lợi, khó khăn trong phòng, chống thực phẩm bẩn…; nghe nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương trình bày về tình hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hướng dẫn các điều kiện trong quá trình sản xuất, buôn bán kinh doanh an toàn thực phẩm. Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, các đối tác thu mua rau tiềm năng (các bếp ăn tập thể), đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thu mua sản phẩm; những yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, chủng loại đối với sản phẩm rau an toàn. Dịp này, một số văn bản ghi nhớ liên kết hợp tác đã được ký kết giữa các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể với các HTX, tổ hợp tác, nhóm hợp tác sản xuất rau an toàn tại Bạch Thông như HTX nông nghiệp Nà Tu, Nhóm sản xuất rau an toàn xã Lục Bình, HTX Bình Sơn… Trong đó, các bên cam kết cùng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm sạch, đưa sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng.
Có thể nói rau xanh là thực phẩm quan trọng, thường xuyên và không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi người, mỗi nhà nhất là rau an toàn, rau sạch. Với vị trí địa lý, thổ nhưỡng và nguồn lao động mỗi năm huyện Bạch Thông có trên 300ha đất trồng rau, sản lượng khoảng 2.000 tấn các loại. Đây là nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân trong huyện và địa bàn Thành phố Bắc Kạn. Tuy nhiên, những năm qua một số sản phẩm nông nghiệp được sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn chưa thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mặt khác một số mặt hàng rau, củ quả nhập từ các huyện, tỉnh khác về dẫn đến khó kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Một số sản phẩm của các Hợp tác xã trên địa bàn huyện Bạch Thông |
Mục đích của hội thảo là để góp phần từng bước thay đổi nhận thức và tập quán của người dân trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới xây dựng vùng trồng các loại rau, củ, quả an toàn trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng giá trị sản xuất. Từ năm 2016, được sự quan tâm giúp đỡ của Viện rau quả Hà Nội, Trung tâm khuyến nông tỉnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và sự hỗ trợ của Tổ chức Childfund tại Việt Nam, huyện đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn với quy mô 10ha tại vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn tại một số xã trên địa bàn huyện.
Qua hội thảo sẽ tạo cơ hội để người sản xuất và người tiêu thụ rau an toàn được gặp gỡ, trao đổi, thống nhất và đến ký kết hợp đồng, nhằm thúc đẩy mở rộng sản xuất rau an toàn, sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần vào nâng cao thu nhập cho nông dân, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời kỳ vọng hội thảo sẽ là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng giúp huyện có quyết tâm chính trị trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp sạch, tạo sản phẩm hàng hóa nông sản có số lượng lớn, sức cạnh tranh cao trên thị trường theo định hướng của Đảng, Nhà nước và các chủ trương của tỉnh./.