![]() |
Đến với lễ hội Phủ Thông du khách sẽ được hòa mình với các tập tục giàu bản sắc của người dân nơi đây. Ông Hoàng Hóa – 90 tuổi, một người gắn bó với văn hóa dân gian nhiều năm kể lại rằng “ngày xưa ở vùng Vĩnh Thông (tức huyện Bạch Thông bây giờ) luôn xảy ra loạn lạc triền miên, kẻ xấu ra sức cướp bóc của cải khiến đời sống người dân khổ ải, lầm than. Trước tình cảnh đó triều đình đã phái một vị tướng đến đây đánh đuổi giặc ngoại xâm và ông đã hi sinh trên mảnh đất này. Để tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị anh hùng đó, nhân dân trong vùng đã lập một đền thờ gọi là đền “Slấn, Slảnh” hay còn gọi là thờ thần thánh. Tương truyền, ngôi đền này rất linh thiêng, là địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân vào mùng một, ngày rằm hằng tháng và đặc biệt là Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. Do vậy cứ vào ngày 19 tháng giêng hàng năm, người dân trong vùng vẫn dâng lễ tế thần để ghi nhớ công lao của vị thần đã luôn bảo vệ, che chở cho cuộc sống của họ. Trong những năm kháng chiến, ngôi đền đã bị giặc Pháp bắn phá, các vật dụng như kiếm, mũ, ô, lọng, bằng phả của đền đã bị thất lạc. Từ đó đến giờ cũng chẳng ai còn nhớ đền lập từ năm nào, tên tuổi vị tướng đó là gì”. Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong vùng, năm 2017, Đền Slấn Slảnh bước đầu đã được phục dựng lại.
![]() |
Nói về Lễ hội lồng tổng Phủ Thông, Ông Hoàng Hóa cho biết thêm: “Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông đã có từ rất lâu, Lễ hội được tổ chức vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hàng năm. Mỗi kỳ Lễ hội, khách thập phương đến trẩy hội đông vui lắm, già, trẻ, gái, trai nô nức hòa mình vào ngày hội đến tận tối mịt mới về nhưng vẫn còn lưu luyến không thôi. Cũng theo ông Hoàng Hóa, phần lễ diễn ra vào ngày 19 âm lịch, tại đây dân làng sẽ tổ chức mổ lợn để tế thần thánh, trong buổi tế thầy mo sẽ làm nhiệm vụ chuyển những ý nguyện của dân chúng tới thần, mong cho trời đất phù hộ nước thịnh dân an, mùa mạng bội thu, nhà nhà hạnh phúc… Xong phần tế lễ, mọi người ai cũng cảm thấy tâm hồn mình thư thái, như trút bỏ hết muộn phiền sau một năm đã qua, lạc quan tin tưởng vào một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng, bình an. Hết phần tế thần, mọi người sẽ tổ chức ăn cơm tại sân đền với tâm niệm là hưởng lộc đầu xuân.
Phần hội được tổ chức khá công phu, cầu kỳ. Ban tổ chức sẽ có màn thi làm mâm cỗ. Các mâm cỗ trưng bày rất đẹp mắt, đầy đủ bánh trái, sản vật do các hộ tự sưu tầm. Mâm cỗ thường có rất nhiều tầng, mâm thì 3 tầng, mâm thì 5 tầng, tượng trưng cho sự no đủ, thịnh vượng. Ở phần thi này các chức dịch trong vùng sẽ cùng nhau đi chấm cỗ và trao giải thưởng. Kết thúc phần thi mọi người cùng nhau phá cỗ ra để thưởng thức. Phần hội sẽ có những tiết mục múa kỳ lân, biểu diễn võ thuật dân tộc rất hoành tráng và nhiều trò chơi dân gian khác, các tiết mục này đều nhận được sự tán thưởng, tung hô của mọi người. Có lẽ một trong những tiết mục mang ý nghĩa phồn thực, thấm đượm giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày được các nam thanh nữ tú dự hội hưởng ứng nhiệt tình nhất đó là hội ném còn. Sau khi người chủ hội tung quả còn khai hội, một bên nam và một bên nữ được ngăn cách bởi cây còn sẽ mở màn tung những quả còn lên sao cho thủng hồng tâm trên đỉnh cây nêu để đón điều may mắn, con người và vạn vật sinh sôi trong năm mới. Khi giao lưu tung còn nếu người con gái bên này đón nhận quả còn từ người con trai ném sang thì đó sẽ là thay cho lời khó nói, người con gái chấp nhận để người con trai đó được tìm hiểu mình để rồi thầm thương, trộm nhớ, tiến tới kết đôi thành vợ thành chồng. Hội Phủ Thông chính là dịp để mọi người tìm đến với nhau, làm quen, chia sẻ ngọt bùi, gửi gắm tình cảm cho nhau đắm mình vào câu sli, câu lượn dạt dào cảm xúc. Đêm xuân tiếng lượn, sli bay bổng vang lên làm cho những người già như thấy mình trẻ lại. Thế rồi ngày mới cũng sang, dư âm của lời giao duyên vẫn day dứt nhớ thương…”.
![]() |
Từ xuân năm Đinh Dậu (2017), Lễ hội Phủ Thông được tổ chức vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hàng năm đúng với truyền thống. Qua hai mùa Lễ hội, lượng du khách thập phương đến trẩy hội ngày càng tăng, điều đó đã khẳng định về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sức thu hút của Hội Lồng tồng Phủ Thông, một lễ hội từ xưa đã được cộng đồng công nhận là lễ hội tiêu biểu trong vùng “nhất chợ Phủ”. Ban Tổ chức Lễ hội đã có nhiều cố gắng duy trì, khôi phục lại những sinh hoạt văn hóa đặc sắc truyền thống đi đôi với bổ sung những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hiện đại cho phù hợp với thời kỳ mới.
Năm 2019 là năm thứ ba, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông được tổ chức theo hướng giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đặc sắc của truyền thống. Đến với Lễ hội, chắc chắn du khách sẽ trải nghiệm thú vị. Mong rằng, trong những năm tiếp theo, Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông sẽ ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, cuốn hút du khách, đồng thời là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống, gìn giữ bản sắc và bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy tinh hoa văn hoá độc đáo trong cộng đồng mỗi dân tộc mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc huyện nhà./.