Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá tại Nguyên Phúc

       Với lợi thế có nhiều khe đồi, diện tích ao nuôi lớn, thuận tiện nguồn nước, trong những năm qua việc phát triển chăn nuôi cá đã được người dân xã Nguyên Phúc ( Bạch Thông ) chú trọng. Từ chăn nuôi cá, nhiều hộ có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/năm.

 Với trên 1.000 m2 ao nuôi cá, mỗi năm gia đình ông Triệu Văn Khoa – Thôn Nà Cà thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

       Thấy được hiệu quả chăn nuôi cá, năm 2010 gia đình chị Lèng Thị Nhị – Thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc tận dụng diện tích khe đồi thuận tiện nguồn nước đắp ao thả cá với diện tích gần 3.000 m2. Chị Nhị cho biết: “Do nguồn nước thuận tiện, tận dụng lá sắn, phân gia súc nên không mất nhiều chi phí thức ăn cho cá. Bình quân mỗi năm gia đình chị xuất bán trên 1 tấn cá các loại như: cá trắm, chép, rô phi, cá mè đem lại nguồn thu nhập gần 70 triệu đồng”.

       Năm 2010 xã Nguyên Phúc chỉ có khoảng 08 ha ao nuôi, thì đến nay toàn xã có trên 12 ha diện tích ao nuôi cá, chiếm gần 10% diện tích ao nuôi cá của toàn huyện. Nhiều hộ có từ 2.000 đến 4.000 m2  ao nuôi, diện tích ao nuôi tập trung nhiều ở các thôn Pác Thiên, Nà Lốc, Nà Rào, Nà Cà…Nếu như trước đây, đa phần các hộ chăn nuôi cá tại xã Nguyên Phúc chủ yếu là chăn thả tự nhiên, phục vụ nhu cầu gia đình là chính, thì những năm trở lại đây người dân đã chú trọng đầu tư cải tạo ao nuôi, đầu tư giống cá có chất lượng vào chăn thả nên hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Triệu Đức Nhụ – Thôn Pác Thiên cho biết: “Gia đình anh có gần 1.000 m2 ruộng nhưng do gần khe đồi, gieo cấy lúa hiệu quả không cao năm 2016 gia đình anh bỏ vốn thuê máy múc cải tạo thành ao nuôi cá. Do thuận tiện nguồn nước, mực nước sâu, thường xuyên lấy cỏ và tận dụng lá chuối, lá sắn làm thức ăn cho cá nên sau gần 2 năm nuôi, lứa cá trắm đã có trọng lượng 4 – 6 kg/con và một số loại cá khác như cá trôi, chép, rô phi… dự định cuối năm nay gia đình anh sẽ thu hoạch. Với giá bán từ 40 nghìn đến 70 nghìn đồng/kg tùy từng loại như hiện nay, sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình”.

       Thời gian qua, tình hình giá cả chăn nuôi không ổn định, đặc biệt là chăn nuôi lợn, giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ phải bỏ chuồng thì chăn nuôi cá lại phát triển khá ổn định. Ông Triệu Văn Khoa – Thôn Nà Cà cho biết: “Chăn nuôi cá không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, bởi thức ăn chủ yếu là cỏ, bèo tấm, lá chuối, cám gạo… nuôi cá ít bị bệnh mà đầu ra cũng như giá cả luôn ổn định. Với trên 1.200 m2 ao nuôi, mỗi năm gia đình ông xuất bán gần 7 tạ cá, đem lại nguồn thu nhập gần 40 triệu đồng, cao gấp 4 đến 5 lần so với gieo cấy lúa. Năm 2018 gia đình ông dành riêng 01 ao khoảng 600 m2 nuôi 1.200 con cá rô phi đơn tính, chỉ sau hơn 2 tháng bình quân mỗi con đã nặng 2 đến 3 lạng/con. Dự tính đến cuối năm mỗi con sẽ có trọng lượng từ 0,8 đến 1 kg. Trừ số lượng cá bị hao hụt gia đình sẽ thu được khoảng 8 tạ cá”. Với kinh nghiệm trên 12 năm nuôi cá hàng hóa ông Khoa cho biết thêm: “Để cá phát triển tốt sau mỗi đợt thu hoạch người chăn nuôi phải tháo cạn nước, vệ sinh ao nuôi bằng vôi bột để loại trừ mầm bệnh. Khi thả phải lựa chọn con giống to, khỏe mạnh, bên cạnh đó ao nuôi xây dựng gần nguồn nước sạch chảy ra vào thường xuyên là điều kiện cần thiết để cá phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt ngon”.

        Với đặc điểm các ao nuôi cá ở Nguyên Phúc chủ yếu là ở các khe đồi, nguồn nước sạch, người dân chăn cá chủ yếu bằng cỏ và phụ phẩm trong nông nghiệp nên chất lượng thịt thơm ngon. Cá Nguyên Phúc đang dần trở thành thương hiệu được thị trường ưa chuộng, nên đầu ra ổn định. Anh Triệu Đức Học – Thôn Pác Thiên chia sẻ: “Gia đình anh có hơn 2.000 m2 ao, mỗi năm thu hoạch trên 1 tấn cá, nhưng gia đình anh không phải mất công đem ra chợ bán bởi thương lái vào tận ao đặt mua. Những hộ có điều kiện tự đánh bắt, mang ra chợ bán cũng rất thuận tiện, bởi nếu biết là cá ở xã Nguyên Phúc mang ra bán, thì chỉ ngồi một lúc là người ta “ tranh nhau” mua hết”.

       Cùng với phát triển cây rau màu, hiện nay phát triển chăn nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hóa đang được cấp ủy, chính quyền xã Nguyên Phúc đưa vào Nghị quyết hàng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đầu tư vốn cải tạo ao nuôi, chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang chăn nuôi cá. Phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng điều trị bệnh cho cá. Cải tạo, thay thế giống cá kém chất lượng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi cá thương phẩm tại địa phương./.