Chúng tôi đến thăm rừng trồng hồi của gia đình ông Nguyễn Duy Thuyết – thôn 1 B, xã Sỹ Bình trong lúc gia đình ông đang tất bật huy động nhân lực thu hoạch hoa hồi, ông cho biết khu rừng gần 10 ha này trước đây chủ yếu là rừng cây gỗ tạp giá trị kinh tế thấp, thực hiện dự án của Nhà nước gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký trồng được hơn 5 ha hồi đến nay đã đến kỳ cho thu hoạch. Theo ông Thuyết cây hồi là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, việc trồng cây hồi khá đơn giản, chỉ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ lúc cây còn nhỏ khí cây đã phát triển khoảng 2 mét thì không tốn nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như một số loại cây trồng khác mà hiệu quả kinh tế tương đối ổn định, cho thu hoạch lâu dài. Được biết hiện nay cây hồi tại xã Sỹ Bình được trồng tập trung nhiều ở các thôn 1A, 1B, Phiêng Bủng, Nà Lẹng, 3A, 3B… với diện tích hơn 220 ha, trong đó trên 30% diện tích đã cho thu hoạch. Năm 2013 toàn xã thu hoạch hơn 200 tấn hoa hồi, với giá thu mua của các thương lái từ 8 – 9 nghìn đồng/kg, tổng thu nhập từ trồng hồi gần 2 tỷ đồng… Đến xã Sỹ Bình vào khoảng thời gian này, đâu đâu cũng toả ngát mùi hương thơm nồng của hoa hồi, bà con cho biết năm nay hoa hồi được mùa, tư thương vào tận đồi để mua với giá 10 nghìn đồng/kg hoa hồi tươi, nhiều hộ gia đình dự kiến sẽ thu được 5 – 7 tấn hồi tươi, đó là nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Mặc dù cây hồi đã được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của xã Sỹ Bình, song lại chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm đối với người trồng hồi. Hiện nay, sản phẩm từ cây hồi vẫn chỉ có các thương lái đi thu mua nhỏ lẻ để bán sang Trung Quốc và thường bị ép giá nên giá hoa hồi không ổn định. Nhiều hộ trồng hồi không chăm sóc theo đúng kỹ thuật được chuyển giao nên năng suất chưa cao. Mặt khác, việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch của bà con chủ yếu theo phương pháp thủ công, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm. Trước tình trạng trên, để cây hồi thực sự trở thành cây mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế địa phương, giúp nông dân giảm nghèo và làm giàu thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong định hướng phát triển mở rộng diện tích, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm từ cây hồi. Mặt khác, địa phương cũng cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các cơ sở chế biến tinh dầu hồi tập trung, đồng thời tìm đối tác ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm hoa hồi cho người trồng hồi.
Hiệu quả cây hồi ở Sỹ Bình
Từ những năm 1990 – 1997, thông qua các chương trình, dự án 327, PAM 5322, 661… cây Hồi được đưa vào trồng tại xã Sỹ Bình, huyện Bạch Thông. Đến nay toàn xã đã có hơn 70 ha cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.