Rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ phổ biến 500 – 1000 con/m2, cục bộ có nơi mật độ cao từ 5.000 – 7.000 con/m2, rầy đang ở tuổi 2 và tuổi 3, qua kiểm tra cho thấy trên các giống lúa lai mật độ rầy cao hơn các giống lúa thuần. Nếu không phòng trừ kịp thời có thể làm lúa bị “Cháy rầy”. Bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông cũng phát triển mạnh gây hại giai đoạn lúa trỗ bông, làm bông lúa bạc trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và năng suất của cây lúa. Hiện nay, toàn huyện diện tích lúa bị nhiễm bọ rầy khoảng 80 ha và bệnh đạo ôn khoảng 4 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Quân Bình, Lục Bình, Tân Tiến, Tú Trĩ, Vi Hương, Phương Linh, Cẩm Giàng.
Theo khuyến cáo của Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bạch Thông, để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển, phục hồi nhanh những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh nhân dân cần khẩn cần trương thực hiện một số biện pháp kỹ thuật sau: Luôn giữ nước trong ruộng từ 3cm – 5cm. Đối với bọ rầy cần phun thuốc phòng trừ bằng các loại thuốc đặc trị Bassa 50 EC, Bascide 50 EC, Actara 25WG, Trebon 10 EC, Sạch rầy 200WP…những ruộng có mật độ rầy cao cần phun kép 2 lần, lần 2 phun sau lần 1 từ 5 đến 7 ngày, cần dùng luân phiên các loại thuốc để tránh tính kháng thuốc của bọ rầy. Khi phun rầy cần hạ thấp vòi phun để trừ rầy tập trung dưới bẹ và gốc lúa.
Đối với bệnh đạo ôn, khi thấy ruộng lúa xuất hiện bệnh, dừng bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá. Phun thuốc trừ bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc đặc trị Kasai 21,2WP, Kabeam 75WP, Beam 75WP, Fuji-one 40 EC… Chú ý, bà con nhân dân nên phun thuốc theo chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc và tuân thủ đúng kỹ thuật phun, phun từ 50 – 60 lít nước đã pha thuốc đúng liều lượng cho 1.000 m2, nên phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều tốt mát.