Lễ hội lồng tồng Hà Vị hiện nay là một trong những lễ hội cuối cùng được tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong Tháng Giêng; là lễ hội trung tâm của huyện Bạch Thông, thu hút được đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện và du khách các địa phương lân cận. Mặc dù thời tiết buổi sáng có mưa và đã được Ban tổ chức lễ hội thông báo thời gian khai hội là buổi chiều nhưng ngay từ sáng sớm, đông đảo nhân dân địa phương và nhân dân các địa phương lân cận đã nô nức đến nói tổ chức lễ hội, coi đây là dịp để gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, người thân ở xa… và háo hức chờ đợi được chứng kiến những nghi thức trong phần lễ, tham gia các trò chơi trong phần hội.
|
Múa “nộc niệc” tại lễ hội |
Lễ hội lồng tồng Hà Vị gồm hai phần: Lễ và hội. Phần lễ được thực hiện với nghi thức rước mâm cỗ “cái” từ Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ của xã đến nơi tổ chức lễ hội trong không khí trang nghiêm. Đây là mâm cỗ của dòng họ Ma Hoàng – dòng họ lớn của xã Hà Vị, là dòng họ đã tổ chức lễ hội Lồng tồng, khởi nguồn cho lễ hội này được tổ chức hàng năm tại địa phương. Do đó, phần lễ được tổ chức không chỉ mang ý nghĩa tỏ lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ của xã đã hi sinh vì độc – lập tự do của đất nước, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa lao động sản xuất thuận lợi, nhân dân an lành, hạnh phúc như phần lễ tại những lễ hội khác mà còn là sự tưởng nhớ, biết ơn vị tiền bối đã tổ chức lễ hội lồng tồng năm xưa để ngày nay con cháu có lễ hội xuân vui tươi, phấn khởi trong dịp Tết. Bên cạnh mâm cỗ “cái” còn có mâm cỗ của các thôn, bản trong xã, đều là những sản vật của địa phương, do nhân dân tự đóng góp. Trong phần lễ còn có múa “nộc niệc” với các nhân vật hóa trang hai con chim “nộc niệc” (còn gọi là phượng hoàng đất theo quan niệm dân gian), khỉ, đười ươi.
Cụ Dương Hữu Thủ (thôn Nà Cà) cho biết: Trước đây, phần lễ được thực hiện với nghi thức rước mâm cỗ “cái” từ đền thờ thành hoàng làng đến địa điểm tổ chức lễ hội, nay đền thờ xuống cấp, chưa được tôn tạo lại; múa “nộc niệc” được tổ chức diễu hành trong Tháng Giêng, tại các địa phương – nơi diễn ra lễ hội xuân để cầu cho mưa thuận gió hòa, còn là biểu tượng sự hòa thuận của thiên nhiên, đất trời.
|
Chơi “tung còn” thu hút đông đảo du khách |
Phần hội thu hút được đông đảo nhân dân trong xã và du khách tham gia lễ hội bởi các trò chơi truyền thống như: Tung còn, kéo co … và trò chơi hiện đại như “hái hoa dân chủ”. Đặc biệt, dịp này, huyện Bạch Thông tổ chức giải “Bóng chuyền nam” với sự tham gia của đội bóng chuyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thu hút được đông đảo khán giả yêu thể thao. Giải “Bóng chuyền nam” được tổ chức không chỉ góp phần mang lại không khí vui tươi, thu hút du khách đến với lễ hội, tạo điều kiện cho đội bóng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có cơ hội giao lưu, học hỏi mà còn là hoạt động được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần thể dục – thể thao của nhân dân, vận động nhân dân địa phương tích cực rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại, có sức khỏe để phát triển lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Buổi tối cùng ngày, phần hội được tiếp tục diễn ra với chương trình giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân giữa các thôn, bản trong xã và sự góp vui của đội văn nghệ quần chúng các xã lân cận…
|
Trận giao hữu bóng chuyền diễn ra sôi nổi trong phần hội |
Trong thời gian qua, lễ hội được thay đổi qua nhiều địa điểm tổ chức khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách đến với lễ hội cũng như để lễ hội có không gian tổ chức được rộng rãi hơn. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, theo ý kiến đóng góp của nhiều người dân để phù hợp với quan niệm tâm linh, lễ hội Hà Vị luôn được tổ chức tại cánh đồng Nà Phả này – địa điểm diễn ra lễ hội đầu tiên./.