Đến thăm mô hình của gia đình ông Đinh Kim Chức ở thôn Khuổi Chanh, xã Cẩm Giàng, chúng tôi mới thấy hết được tinh thần dám nghĩ, dám làm của người hội viên này. Trao đổi với chúng tôi ông tâm sự: “Mới đầu, gia đình chỉ phát triển kinh tế nhỏ lẻ, làm dần cũng thấy có hiệu quả và tích lũy được nguồn vốn, cùng với sự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm qua các kênh thông tin thấy hiệu quả cao, tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi với 5 con lợn nái, nuôi nhím, nuôi gà, đồng thời kết hợp mua máy xay xát, máy nghiền thức ăn để phục vụ trong gia đình cũng như bà con lối xóm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng”.
Còn đối với anh Nông Văn Nhật thôn Nà Cà là một trong những hộ dân tiêu biểu có thu nhập khá ổn định từ việc trồng rau màu tại xã Sỹ Bình. anh cho biết trước đây gia đình anh trồng rau màu chủ yếu để phục vụ gia đình. Nhận thấy điều kiện khí hậu khá phù hợp với việc trồng rau màu nên anh đã dành 1.700m2 đất ruộng lúa 2 vụ của gia đình để chuyên trồng các loại rau màu như: xu hào, bắp cải, cà chua, xúp lơ, đỗ cải thảo, khoai tây. Mới đầu kinh nghiệm còn thiếu nên hiệu quả chưa cao, nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các hộ dân trồng rau màu lâu năm tại các xã lân cận nên dần dần anh cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc rau màu. từ rau màu đem lại nguồn thu nhập cho gia đình anh cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa. Anh Nhật cho biết: “Tuy trồng rau màu vất vả hơn trồng lúa nhưng lãi xuất lại cao và năng xuất hơn nên hiện tại tôi chi dành 1/3 diện tích đất ruộng của gia đình để trồng lúa còn lại chuyển sang trồng các loại rau màu”.
Chị Lèng Thị Nhị thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc lại chọn cho mình mô hình VAC để khởi nghiệp. Mới đầu cũng khó khăn, cũng thất bại nhưng với tinh thần dám nghĩ dám làm đến nay chị đã sở hữu một mô hình kinh tế tổng hợp VAC cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Mô hình chăn nuôi được bố trí khá bài bản với đàn trâu 8 con, 48 con dê, đàn gà trên 100 con và ao cá đầy đủ các loại cá trôi, chắm, mè, rô phi đơn tính, cá chép và hơn 5 ha rừng mỡ. Tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất chính là cách làm giúp chị vượt qua khó khăn cải thiện cuộc sống gia đình.
Với sự cố gắng trong phát triển kinh tế, thời gian qua toàn huyện đã có 44 lượt hội viên nông dân đạt hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” cấp Trung ương, 204 hộ đạt hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, 403 hộ đạt hộ “Sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện. Mặc dù mỗi người một cách làm khác nhau nhưng với tinh thần lao động cần cù, năng động, sáng tạo, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân huyện Bạch Thông đã từng bước nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của gia đình./.