Đến thời điểm đầu tháng 10 năm 2014, tại xã Dương Phong sâu ong lứa 4 đang giai đoạn trứng, mật độ phổ biến từ 10 – 20 ổ trứng/cây, cục bộ 50 – 60 ổ trứng/cây. Dự kiến sâu non sẽ nở vào cuối tháng 10/2014. Sâu ong là đối tượng gây hại nguy hiểm, nếu không kịp thời phòng trừ, sâu ong sẽ ăn trụi lá mỡ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của cây mỡ và đặc biệt sâu ong có thể lây lan thành dịch, khó có khả năng khống chế. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bạch Thông khuyến cáo: Các hộ dân có diện tích rừng mỡ tại xã Dương Phong cần thường xuyên kiểm tra đồi, rừng, phát quang dưới tán rừng, tỉa cành mỡ, tạo đường băng để thuận tiện cho việc phòng trừ; treo bẫy, thu nhặt và tiêu hủy ổ trứng, sâu non mới nở ở những đồi cây thấp; phun thuốc trừ sâu để tiêu diệt sâu non với liều lượng 1,5 kg/1 ha (cả phun pha nước và phun bột), nếu phun bột thì trộn 1,5 kg thuốc Gà nòi 95SP với 10 kg cám gạo hoặc bột gạo. Rắc thuốc trước khi sâu di chuyển từ thân cây xuống đất hóa nhộng từ 2 – 3 ngày với liều lượng từ 25 – 30 kg/ha bằng các loại thuốc: Diaphos 10G, Diazol 10H, Vibam 5H, Vibasu 10H… Hiện nay công tác phòng chống sâu ong tại xã Dương Phong nói riêng và trên địa bàn huyện Bạch Thông nói chung gặp rất nhiều khó khăn bởi chiều cao của cây mỡ khá lớn nên việc phun thuốc diệt trừ sâu ong hiệu quả không cao. Để tránh việc sâu ong lây lan thành dịch và hạn chế mức độ thiệt hại lớn nhất có thể, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân để việc phòng trừ sâu ong được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Dương Phong cần chủ động phòng trừ sâu ong gây hại rừng mỡ
Hiện nay, toàn huyện Bạch Thông có 689,29 ha diện tích rừng mỡ đã bị nhiễm sâu ong, trong đó diện tích nhiễm nhẹ – trung bình 223,9 ha, nhiễm nặng 438,6 ha nhiều diện tích rừng mỡ đã bị sâu ong ăn trụi lá (cả diện tích bị nhiễm từ năm 2013 và diện tích nhiễm mới 2014). Tính riêng xã Dương Phong có trên 120 ha rừng mỡ bị sâu ong gây hại.