ĐÔN PHONG VÀO VỤ THU HOẠCH MƠ

Với diện tích gần 40ha, nhiều năm nay cây mơ đã trở thành cây trồng chủ lực, thế mạnh giúp cho nhiều hộ nông dân xã Đôn Phong thoát nghèo và vươn lên làm giàu hiệu quả.

 Gia đình nhà ông Nguyễn Văn Hải – thôn Bản Đán tập trung thu hoạch mơ.

Dọc đường đi qua các thôn Bản Đán, Bản Chiêng, Vằng Bó, Nà Váng, Nà Đán là những vườn  mơ xanh mướt nối nhau san sát trên triền đồi đang bước vào vụ cho thu hoạch, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành. Theo chân Chủ tịch Hội nông dân xã dẫn chúng tôi đến vườn mơ của gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Bản Đán, đúng lúc gia đình ông đang thu hoạch mơ. Trao đổi với  chúng tôi ông Hải cho biết vườn mơ của gia đình có hơn 2ha là mơ bản địa được trồng từ năm 1990, năm nay sai quả hơn năm ngoái nhưng chất lượng quả nhỏ và ảnh hưởng của nhiều trận mưa đá nên quả bị nứt, mẫu mã không đẹp. Cả vụ gia đình ông thu về hơn 10 tấn quả, giá cân tại vườn trung bình 10-11 nghìn đồng/kg, ông Hải thu về gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ông Hải cho biết thêm:“ Hiện nay đối với cây mơ có giá trị hiểu quả kinh tế tương đối cao, khâu chăm sóc dễ hơn với các cây trồng khác, thời vụ chăm sóc một năm thì bón phân 3 đợt  đối với cây mơ non có hiện tượng sâu nõn còn mơ già có hiện tượng sâu gốc khi thấy có hiện tượng sùi nhựa ra thì ta lấy dao cao và dùng thuốc đặc trị bơm vào thân cây để tiêu diệt sâu nhằm đảm bảo năng suất cũng như chất lượng quả”

Cùng với ông Hải, vườn mơ nhà ông Nguyễn Văn Lưu ở thôn Bản Đán vụ này cũng thu về sản lượng khá, gia đình có hơn 1ha cho thu nhập hơn 60 triệu đồng. Ông Lưu cho hay: “Năm nay so với năm ngoái lượng quả nhiều hơn, nhưng do ảnh hưởng mưa nhiều nên mơ rụng nhiều hơn, quả bị nứt, chất lượng quả mơ vẫn to vì chăm sóc được tốt, giá cả so với năm ngoái giảm 1/3 năm, năm 2019 giá bán tại vườn là 15- 16 nghìn đồng/1kg, năng nay có 10 – 11 nghìn đồng/1kg”

Theo người dân địa phương, cây mơ được trồng ở xã Đôn Phong đã rất lâu. Diện tích tăng nhiều từ những năm 1991 khi có Dự án PAM. Tuy nhiên, có những thời điểm giá quả mơ xuống thấp, 1kg mơ chỉ bán được 200-500 đồng, nhiều người dân đã chặt bỏ cây mơ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Tuy vậy, cũng còn một số hộ giữ lại đồi mơ, đến giờ cây lại có giá trị, rất nhiều người tiếc nuối. Hiện nay mơ có giá, nên trong xã bắt đầu có một vài hộ dân tiến hành trồng mới. Theo thống kê, hiện xã Đôn Phong còn khoảng hơn 30ha mơ, trong đó có hơn 20 ha đã cho thu hoạch, hầu hết các vườn mơ này có tuổi đời trên 20 năm, gốc mơ to, cành lá xum xuê. Diện tích chủ yếu là ở các thôn Bản Đán, Bản Chiêng, Vằng Bó, Nà Váng, Nà Đán. Người dân nơi đây trồng mơ theo cách tự nhiên, không đầu tư nhiều phân bón. Công chăm sóc chủ yếu là phát cỏ, tỉa cành khô, gẫy. Tuy vậy giống cây này thường xuất hiện sâu đục thân, lâu ngày sẽ làm cho thân cây bị mục. Phương pháp phòng trừ chủ yếu được bà con tiến hành thủ công là bắt sâu hoặc phun trừ. Ông Triệu Phúc Tỵ – Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong, cho biết: Diện tích mơ tại xã chủ yếu được trồng cách đây trên 20 năm, hiện nay xã đang phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thực hiện dự Dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mơ vàng Bạch Thông giai đoạn 2017-2020”, phục tráng lại những diện tích mơ già cỗi.

Hiện nay, Đôn Phong là một trong những xã thuộc quy hoạch trồng mới mơ của huyện, giống mơ ghép trên gốc cây đào. Năm 2018 xã đã trồng mới được 10ha, cây mơ trồng mới không bị chết, phát triển tốt. Năm 2019, người dân trong xã đăng ký trồng trên15ha. Thời điểm hiện tại, cây mơ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, qua tính toán, 1ha mơ cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha, xã xác định đây là cây xóa đói giảm nghèo và sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành chức năng thực hiện các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả mơ, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn./.