Đổi thay ở thôn Phiêng An II, xã Quang Thuận.

Phiêng An II bây giờ là một bản làng bình yên với những con đường bê tông sạch sẽ len lỏi trong màu xanh ngút mắt của những vườn chè, ổi, vải, mận, quýt, nhãn… toát lên một sự no ấm, sung túc. Phiêng An II xã Quang Thuận là thôn mới được thành lập chưa được hơn 10 năm nay.

Toàn thôn hiện có 13 gia đình toàn là người Dao Tiền và Dao Đỏ. Khi mới được vận động tập trung về đây, người dân cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng được sự động viên, hỗ trợ của Nhà nước, các gia đình dựng được nhà ở, được cấp đất rừng, đất nương để canh tác, trồng chè, trồng cây ăn quả… theo các dự án hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, bây giờ có những con đường rộng rãi. Những con đường trong bản đều được bêtông hóa đến tận từng hộ do người dân góp tiền để làm. Ông Bàn Văn Sỹ, người Dao Đỏ lấy vợ người Dao Tiền là Đặng Thị Quý, là một trong những người đầu tiên đến bản này, cho biết: “Khi mới đến cũng thấy lo, nhưng được hỗ trợ làm nhà, chia đất sản xuất, trồng rừng cuộc sống đã dần ổn định. Ở bản này không có đất lúa, nhưng có nhiều đất đồi, trồng chè, trồng cây ăn quả tốt. Đất trồng ngô mỗi nhà cũng có vài bung (vài nghìn m2), đủ ngô cho chăn nuôi.” Thế mạnh của bản Phiêng An II là chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Cả 13 hộ gia đình đều nuôi lợn. Nhà nào nhiều thì có 2-3 con lợn nái và có từ 10-20 con lợn thịt, nhà nào ít thì cũng có 3-5 con lợn thịt. Cây chè thì có 10/13 nhà trồng, được thu hoạch mấy năm nay rồi. Chè ở đây ngon không kém gì chè Thái Nguyên nên các gia đình có chè đã góp tiền làm lò sấy, làm được bao nhiêu cũng có người mua hết. Trưởng thôn Đặng Tiến Lợi cho biết: “Nhà mình trồng có 0,4ha chè, nhưng mỗi năm cũng thu được 12 triệu đồng; mận có 80 gốc, vừa bán xong được 11 triệu đồng, vải cũng có mấy chục gốc, năm nay rẻ cũng được trên 10 triệu đồng. Hai năm nay, các nhà ở bản này đều trồng ổi Đài Loan, cùi dày, ít hạt, ăn thơm và mềm nên bán được giá, năm ngoái mua tại vườn cũng 20.000-30.000kg. Nhà mình có 15 cây mà cũng bán quả được 5 triệu đồng. Năm nay mình trồng thêm được gần 100 cây, cũng đã cho quả nhưng ít thôi, dự kiến nếu giá chỉ 20.000 đồng/kg thì cũng thu được 12 – 15 triệu đồng”.  Với những cây ổi quả sai trĩu cành, bà con đã có kinh nghiệm tránh sâu cắn, ong châm bằng cách mua bao để bọc từng chùm lại. Khi thu hoạch, quả rất ngon. Giống ổi này được trường Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên hỗ trợ giống làm mô hình tại thôn này. Thấy có hiệu quả, mọi nhà đều chiết cành nhân rộng diện tích ổi. Ổi được trồng theo dạng chiết cành nên chỉ trồng năm trước, năm sau đã có quả. Trưởng thôn Đặng Tiến Lợi còn cho biết, Bắc Kạn có vùng quýt đặc sản Quang Thuận nổi tiếng. Từ khi về lập bản Phiêng An II, mọi nhà cũng đều trồng giống quýt này. Chính vì nhiều loại cây ăn quả cho kinh tế cao nên diện tích trồng ngô của các gia đình đã được giảm đi để lấy đất trồng các loại cây cho kinh tế cao. Kinh tế các gia đình đều ổn, người dân sống hòa thuận, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, theo hình thức đổi công khi thu hoạch chè. Con em của các nhà đều đi học, không như trước kia, ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn, các cháu thường hay bỏ học ở nhà giúp cha mẹ việc làm nương, làm rẫy. Hình ảnh một bản làng bình yên, những con đường bê tông sạch sẽ len lỏi trong màu xanh ngút mắt của những chè, những ổi, vải, mận, quýt, nhãn… toát lên một sự no ấm, sung túc. Còn một điểm nữa cũng cần phải nói đến, đó là các gia đình ở đây đều có nhà vệ sinh hai ngăn, được xây theo đúng thiết kế của nông thôn miền núi. Mô hình nhà vệ sinh này người dân Phiêng An II không  cần phải được hỗ trợ mà cũng tự bỏ tiền ra để làm, góp thêm những mảng sáng vào bức tranh một nông thôn mới khởi sắc trên đất Phiêng An II.