Cây cầu mới nối liền thôn Bản Luông đi thôn Cây Thị thuộc Dự án RLAMP tài trợ giúp bà con đi lại thuận tiện |
Do chia cách bởi con sông Cầu, thôn Cây Thị giống như một ốc đảo, nằm tách biệt với các thôn trên địa bàn xã. Đất sản xuất ít, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, giao thông khó khăn nên bài toán phát triển kinh tế, giảm nghèo tại thôn vẫn còn nhiều thách thức, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm đến 96%.
Bà Trần Thị Na 68 tuổi là một người dân sinh sống lâu năm ở thôn chia sẻ: Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, tôi và một số đồng bào dưới xuôi đã lên đây định cư. Thôn Cây Thị bấy giờ còn là một vùng đồi rừng, cây cối rậm rạp. Cuộc sống muôn vàn khó khăn, vì chưa khai phá được nhiều ruộng nước, đồng bào sinh sống chủ yếu dựa vào phát nương, làm rẫy, năng suất cây trồng thấp, thu nhập chẳng được là bao. Trong khi đó, có năm lũ lớn ngập hết ngô, lúa, nhiều hộ lâm vào cảnh đói ăn. Hằng ngày người dân phải đi lại rất vất vả, muốn qua sông phải dùng đến mảng bè, vào mùa lũ to, học sinh nơi đây không thể đến trường, nên đã có rất nhiều hộ bỏ đi lập nghiệp ở nơi khác. Sau này, mới có thêm nhiều hộ ở vùng khác hạ sơn về đây. Đồng chí Trương Công Luật- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thanh cho biết: “Cây Thị là thôn đặc biệt khó khăn của xã, tỷ lệ hộ nghèo cao, đất sản xuất ít, điều kiện giao thông đi lại còn nhiều trắc trở. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, xã đã và đang tích cực đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi như: trâu sinh sản, lợn, dê, giống cây mơ vàng… để người dân có điều kiện được tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt chăn nuôi – góp phần tạo công ăn việc làm và nâng cao mức thu nhập cho người dân”.
Sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị, năm 2019 xã Mỹ Thanh đã được Dự án RLAMP tài trợ xây dựng cây cầu cứng Bản Luông – Cây Thị. Chiếc cầu có tổng vốn trên 5 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án 3- Tổng Cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Cầu có chiều dài hơn 80m, thiết kế bê tông cốt thép, đã thực sự rút ngắn khoảng cách đi lại của thôn Cây Thị. Từ đây con em ở thôn đến trường được thuận lợi, đồng thời mở ra hướng đi mới việc phát triển kinh tế – xã hội của người dân trên địa bàn. Không giấu được niềm vui, Bà Nguyễn Thị Xuân đứng chỉ tay về phía cây cầu bắc qua sông bà phấn khởi nói: “Nếu như trước đây muốn đi sang bên kia suối hoặc ngược lại, người dân hai thôn phải đi theo cung đường vòng dài hơn 4 km. Còn khi thời tiết bình thường thì phải sử dụng bè đi lại, nhưng vào ngày mưa lũ thì tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bây giờ có cầu mới, vui nhất là học sinh được đi lại thuận tiện, an toàn, đi xe máy chỉ mất vài phút là sang được thôn bên kia”
Niềm vui đã đến với người dân thôn Cây Thị. Tuy nhiên, thôn có 26 hộ thì mới chỉ có 1 hộ thoát nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là giao thông khó khăn, đất sản xuất eo hẹp. Bên cạnh đó còn do trình độ dân trí thấp, nên mặc dù đã được tập huấn các lớp về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhưng việc áp dụng chưa đúng, chưa triệt để dẫn đến hiệu quả thấp. Để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, thôn rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất và các chính sách xã hội.