Câu chuyện pháp luật: ĐĂNG KÝ KẾT HÔN

0

Nhân vật: Anh A và Chị B sắp kết hôn. Anh H là bạn của Anh A

Anh A và Chị B sinh sống cùng một huyện nhưng khác xã; hai người đã yêu nhau được 2 năm và muốn kết hôn trong năm nay. Vì nhà Chị B cũng giục cưới và theo lời mẹ của Chị B thì năm nay được tuổi nên Anh A và Chị B đã xin phép gia đình hai bên để chọn ngày cưới; sau khi thống nhất ngày cưới thì hai người đã quyết định đăng ký kết hôn trước Lễ cưới.

Tại cuộc gặp với bạn của Anh A

Anh A và Chị B tỏ ra bối rối vì chưa biết hỏi ai về thủ tục đăng ký kết hôn. Lúc này Anh H bạn của Anh A từ bên ngoài đi vào.

Anh H: Đây không phải là A sao, đã lâu không gặp rồi nhỉ?

Anh A: Ông đi đâu một mình thế này? Qua đây ngồi chung với chúng tôi đi?

Anh H: Tôi vừa đi ăn với mấy người bạn qua đây uống nước, trông thấy giống ông tôi qua xem thử hóa ra là ông thật. Còn đây chắc là người yêu ông à?

Anh A: Ừ đây là B người yêu tôi.

Anh H: (Nhìn Chị B cười chào hỏi) Em chào Chị ạ!

Chị B: (Gật đầu đáp lại). Nghe Anh A nói nhiều về Anh mà em chưa được gặp.

Anh H: Hai cậu tính thế nào đi chứ, hai người cũng yêu nhau lâu rồi, cưới đi cho mọi người có dịp gặp mặt.

Anh A: Thì tôi với B đang tính đăng ký kết hôn trước Lễ cưới mà chưa biết thủ tục thế nào? Mà ông làm công chức xã quen ai làm tư pháp hỏi giúp tôi thủ tục với?

Anh H: Ông hỏi đúng người rồi đấy. Tôi làm công chức tư pháp – hộ tịch xã, có gì cần hỏi tôi này?

Anh A: Thế à, vậy tốt quá rồi. Giờ tôi và B ở hai xã khác nhau thì phải đăng ký ở đâu được.

Anh H: Trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn của công dân hiện nay được thực hiện theo Luật Hộ tịch 2014 và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn cho công dân trong nước. Vì vậy, hai người đăng ký kết hôn tại nơi cư trú của ông hoặc nơi cư trú của B đều được nhé.

Anh A: Thế chúng tôi phải chuẩn bị giấy tờ gì khi đi đăng ký kết hôn nhỉ?

Anh H: Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình một trong các giấy tờ là: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng; nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp.

Nếu một trong hai người đang trong thời gian công tác, học tập hay lao động nước ngoài về nước kết hôn thì phải được sự xác nhận của Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước đó về tình trạng hôn nhân của người đó.

Nếu một trong hai người, hoặc cả hai đang công tác trong quân đội thì phải xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND xã/phường nơi đơn vị đóng quân cấp.

Anh H hỏi Chị B: Vậy B làm nghề gì?

Chị B: Tôi là bác sĩ.

Anh H hỏi Anh A: Ông dự định đăng ký kết hôn ở đâu?

Anh A: Nếu thế chắc chúng tôi sẽ đăng ký tại xã nơi cư trú của B.

Anh H: Thế thì bà phải ra Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ông cư trú yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân rồi mới cùng B sang Ủy ban nhân dân xã nơi B cư trú đăng ký đấy nhé.

Anh A: Thế thủ tục xin xác nhận tình trạng hôn nhân như thế nào hả ông?

Anh H: Theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Anh A: Chúng tôi đều đủ điều kiện kết hôn rồi ông.

Anh H: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu ông nhé.

Ông lưu ý Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.

Sau khi có Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì hai người đến UBND xã cư trú của Chị B làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Theo quy định tại Điều 18 Luật Hộ tịch thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ (Tờ khai, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của vợ, của ông, xuất trình bản chính một trong các giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân), nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

Anh A: Tôi hiểu rồi, cảm ơn ông nhiều nhé. Cậu nhớ đến dự đám cưới của chúng tôi đấy.

Anh H: Nhất định rồi, tôi đang chờ đến ngày vui của hai bạn đấy.

Cả 3 cùng cười vui vẻ.

Nhờ sự tư vấn của Anh H mà Anh A và Chị B đã làm thủ tục đăng ký kết hôn nhanh chóng vì đã có sự chuẩn bị giấy tờ đầy đủ theo quy định.