Một góc nhỏ xã Cao Sơn, những ngôi nhà kiên cố đã mọc lên, đời sống người dân dần thay đổi |
Vào những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp đến thôn Nà Cáy nằm cách trung tâm xã 15km, là thôn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất của xã Cao Sơn. Thôn có 18 hộ dân, là đồng bào dân tộc Dao, người dân chủ yếu dựa vào nương, rẫy và nghề rừng. Được biết, từ những năm 2015 thôn Nà Cáy có tỷ lệ hộ nghèo tới 80%. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, xác định việc giảm được tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo thì cần phải có sự phối hợp của cả hệ thống chính trị từ địa phương tới thôn, bản, trong đó nhân dân đóng vai trò quan trọng. Nhằm xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân, Đảng ủy xã đã họp bàn phân công cán bộ xã đến tận thôn để cùng với các đảng viên trong chi bộ và hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị vào trồng. Bên cạnh đó hỗ trợ người dân về con giống…Từ những cách làm trên, người dân thôn Nà Cáy đã có ý thức trong việc lao động sản xuất nâng cao đời sống, nếu trước đây cả thôn chỉ có vài hộ có ti vi, xe máy đến nay có 90% hộ có ti vi, xe máy, người dân đã biết canh tác lúa nước, đời sống ngày càng nâng lên. Ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: “đời sống của đại bộ phận nhân dân trong xã bây giờ đã đổi thay rất nhiều, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm ở xã giảm đáng kể. Đồng bào người Thái, Mông đã đổi thay tập quán canh tác, thay đổi nếp nghĩ, biết chăm chỉ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”. Từ việc được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật đến việc được tiếp cận kiến thức qua các kênh thông tin đại chúng, nhiều hộ dân đã biết áp dụng những kiến thức học được để ứng dụng vào mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Đồng thời, từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, việc thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân nghèo phát triển sản xuất đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của người dân. Nếu như năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 36,15%, thì năm 2019 giảm xuống còn 28,7%. Mục tiêu năm 2020 Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 25%, tương đương giảm 08 hộ. Để hoàn thành được kế hoạch đề ra, cấp ủy chính quyền xã đã có những định hướng, hướng dẫn cụ thể cho từng thôn thực hiện, đó là tiếp tục hỗ trợ, động viên các hộ nghèo nỗ lực phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ vốn, giống, khoa học – kỹ thuật; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương về nguồn đất, lâm sản để nâng cao thu nhập; định hướng cho người dân phát triển kinh tế đẩy mạnh các hoạt động giao thương hàng hóa. Ông Dương Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết thêm: “Việc tiếp cận và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đối với người dân địa phương còn nhiều hạn chế, nên phải nói rằng vấn đề giảm nghèo vẫn còn là trăn trở lớn đối với chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, xã tập trung chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tìm hiểu, nắm rõ nguyên nhân, tình trạng các hộ nghèo. Trên cơ sở đó tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để lồng ghép hỗ trợ và phối hợp các phòng, ban của huyện có giải pháp phù hợp, hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo, nhưng số hộ nghèo ở xã, hiện vẫn còn chiếm cao. Do vậy, để công tác giảm nghèo mang lại kết quả bền vững, không còn hộ tái nghèo, xã Cao Sơn, rất cần các cấp, các ngành đầu tư hỗ trợ, mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT, xây dựng mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển kinh tế để bà con tin tưởng, làm theo. Có như vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Cao Sơn, mới được đẩy mạnh, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.