Bạch Thông với công tác bình đẳng giới

Những năm qua, cùng với sự góp sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đoàn thể, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện Bạch Thông đã đạt một số kết quả nhất định. Vai trò và vị thế phụ nữ từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của huyện.

Trong lĩnh vực chính trị, huyện Bạch Thông đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37/CT-TW ngày 16/5/1994 về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Trong cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 vừa qua, tại huyện Bạch Thông, đại biểu HĐND cấp huyện là nữ chiếm 30% và cấp xã chiếm 20,8%.

Trong lĩnh vực kinh tế, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Bạch Thông thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực duy trì các hoạt động hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động, cụ thể: Nếu như năm 2001, trên địa bàn huyện Bạch Thông có 1.428 lao động được hỗ trợ với tổng vốn vay là 4 tỷ đồng, trong đó có 728 lao động nữ thì đến năm 2005, toàn huyện có 5.618 lao động được hỗ trợ với tổng vốn vay là 23,102 tỷ đồng, trong đó số lao động nữ được hỗ trợ là 2.717 người; đến năm 2010, tổng số vốn hỗ trợ đã lên tới 120,886 tỷ đồng với 13.716 lao động được hỗ trợ, trong đó lao động nữ là 8.112 người. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện đã tập trung khai thác các nguồn vốn tạo điều kiện cho các đối tượng được tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Đến năm 2011, tổng số vốn vay cho các gia đình do chị em làm chủ đã đạt 59 tỷ đồng với 4.850 hộ vay.

Trên địa bàn huyện, một số xã, thị trấn, thực hiện tốt công tác cho vay vốn giải quyết việc làm gồm: Thị trấn Phủ Thông, Lục Bình, Tân Tiến, Quân Bình, Vũ Muộn, Vy Hương….đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 35% năm 2001 xuống còn 18,5% năm 2004 (tiêu chí cũ) và từ 39,74% năm 2005 xuống còn 12,74% năm 2011 (tiêu chí mới).

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tổng số giáo viên nữ trong Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện hiện nay là 471 giáo viên, chiếm 84,4%. Giáo viên nữ là đảng viên chiểm tỷ lệ khá cao với 83% tổng số đảng viên của Ngành; số giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn chiếm 64,7%, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của huyện trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: Huyện được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục THCS năm 2005 và đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2006. Hiện nay, huyện Bạch Thông tiếp tục duy trì được kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Trong lĩnh vực y tế, Ngành Y tế huyện Bạch Thông đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Ngành Y tế, dân số từ huyện đến cơ sở, thay đổi thói quen của nhân dân và phụ nữ trong cách chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Do đó, tỷ lệ nữ được tiếp cận với dịch vụ Y tế đạt 100%, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; giảm tỷ lệ người mắc các bệnh: Bướu cổ, sốt rét, bệnh xã hội qua các năm. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng của huyện đã giảm từ 31,5% năm 2001 xuống còn 15,7%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được kiềm chế ở mức 0,94%.

Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, huyện Bạch Thông chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức đoàn thể tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc; tổ chức nhiều hội nghị phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Trong thời gian vừa qua, huyện đã tổ chức cấp phát được hơn 4.000 tờ gấp về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hơn 7.000 cuốn tài liệu liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình cho các xã, thị trấn để phụ vụ công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình vào các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hương ước, quy ước của các thôn, bản, tổ dân phố. Đến nay, 155/155 thôn, bản, tổ dân phố của huyện đã có Tổ hòa giải và hoạt động khá hiệu quả. Do đó, số vụ bạo lực gia đình giảm qua các năm; năm 2011, số vụ bạo lực gia đình được hòa giải thành công chiếm 80%./.