BẠCH THÔNG TẬP TRUNG CHĂM SÓC LÚA MÙA

0

Hiện nay diện tích lúa mùa chính vụ trên địa bàn huyện Bạch Thông đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ; lúa mùa sớm đang trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên, thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện để một số loại sâu bệnh gây hại. Cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đang chỉ đạo người dân tập trung chăm sóc, theo dõi phòng trừ sâu bệnh gây hại.

Vụ mùa năm nay huyện Bạch Thông gieo cấy được trên 1.700 ha lúa, cơ cấu giống chủ yếu là giống lúa bao thai, khang dân, nhị ưu, Việt lai 20 … Anh Lường Văn Dy – Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bạch Thông cho biết: Qua theo dõi hiện nay trên lúa mùa sớm xuất hiện bệnh đạo ôn lá: Tỷ lệ bệnh phổ biến  0,1%, cao 5%, cá biệt 20%. Diện tích nhiễm 1,5ha.  Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại nhẹ rải rác. Lúa mùa chính vụ xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng ruồi đục nõn, bệnh đạo ôn lá,… xuất hiện và gây hại nhẹ. Ốc bưu vàng gây hại rải rác trên một số diện tích lúa cấy mạ non”.

Người dân xã Tân Tú phun thuốc phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại

Dự báo trong thời gian tới trên trà lúa mùa  một số loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, bệnh nghẹt dễ trên trà lúa mùa chính vụ… sẽ tiếp tục phát triển gây hại. Để phòng trừ bệnh đạo ôn lá cơ quan chuyên môn khuyến cáo đối với những ruộng lúa đang bị bệnh bà con bệnh cần giữ nước trong ruộng 3 – 4 cm, dừng bón phân đạm, chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá chứa đạm. Phun trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc như: Filia®, Trizole, Fuji-One… Đối với lúa mùa chính vụ khi thấy mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng khoảng 20con/m2 thì mới tiến hành phun và sử dụng các loại thuốc sau: Sạch rầy, Sen vàng, tre bon 10 EC, gà nòi 95SP…Sâu đục thân: Ngắt ổ trứng, nhổ dảnh héo đem tiêu huỷ. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Gà nòi 95SP, Voliam Targo 063SC,… để phun phòng trừ khi sâu non mới nở.

Đối với bệnh nghẹt rễ, anh Lường Văn Dy – Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện khuyến cáo: “ Bà con khẩn trưởng tiến hành sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cây lúa; sau đó tháo kiệt nước phơi ruộng nứt nẻ chân chim, kết hợp bón vôi bột 40 – 50 kg/1.000 m2. Sau khi xử lý từ 3 – 5 ngày, kiểm tra nếu thấy cây lúa ra rễ trắng và ra thêm lá mới thì sử dụng các loại phân bón qua lá để phun, giúp cây lúa nhanh hồi phục”.

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của ngành chuyên môn, cấp uỷ, chính quyền các địa phương cũng cần tăng cường chỉ đạo cán bộ khuyến nông ở cơ sở thường xuyên thăm nắm, kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm sâu bệnh hại để hướng dẫn người dân tiến hành các biện pháp phòng trừ kịp thời, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại một vụ mùa thắng lợi./.

Thanh Tuyền