Sau Tết Nguyên đán, các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm ở huyện Bạch Thông đang tích cực tái đàn. Hiện nay người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, do đó bảo đảm đàn gia cầm, thủy cầm phát triển tốt, tăng số lượng nhằm hoàn thành chỉ tiêu tổng đàn của huyện năm nay.
Người dân trên địa bàn huyện tích cực tái đàn vật nuôi của gia đình.
Nuôi gà từ nhiều năm, gia đình ông Lâm Quang Huy, thôn Nà Búng, xã Quân Hà luôn là địa chỉ cung cấp gà thịt đáng tin cậy tại địa phương. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình ông bán hơn 200 con gà thịt. Trước đó, ông đã nuôi gối 200 con để bù vào số gà đã bán. Hiện nay gia đình ông duy trì trên 500 con gà, khoảng hơn tháng nữa ông Huy sẽ xuất bán và tiếp tục nuôi gối lứa khác để luôn có gà thịt cung cấp ra thị trường. Thức ăn được ông Huy sử dụng là phụ phẩm nông nghiệp, chủ yếu là chuối trộn cám ngô. Tuy chăn thả, nhưng những ngày mưa rét ông Huy vẫn nuôi nhốt, dùng đệm lót sinh học. Dù nuôi gà với số lượng lớn nhưng ông Huy vẫn bảo đảm được đầu con do luôn tuân thủ tốt việc chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi. Ông Lâm Quang Huy, thôn Nà Búng, xã Quân Hà cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với người chăn nuôi là chuồng trại luôn thông thoáng, sạch sẽ và thường xuyên kiểm tra xử lý kịp thời khi vật nuôi bị bệnh. Sau Tết, thời tiết ấm dần lên là thời điểm thích hợp để tái đàn. Dù giá thức ăn chăn nuôi có tăng nhưng tôi vẫn chọn phát triển nuôi gà vì nó là nguồn thu nhập chính từ nhiều năm nay của gia đình”.
Tại xã Nguyên Phúc, nhiều người gọi anh Vũ Đình Khiên, thôn Nà Lốc là “vua vịt”. Từng nuôi rất nhiều lợn nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên những năm gần đây anh Khiên chuyển dần qua chăn nuôi vịt đẻ trứng nhằm tận dụng lợi thế nhà gần suối. Mỗi lứa anh Khiên nuôi khoảng 3.000 – 4.000 con vịt đẻ, với giá bán khoảng 3.000 đồng/quả trứng, trừ mọi chi phí mỗi tháng gia đình anh Khiên thu lời 20 – 30 triệu đồng. Trước Tết anh Khiên xuất bán 1.200 con vịt già và chuẩn bị đặt mua 3.000 vịt con. Nếu chăm tốt thì đến tháng 8 đàn vịt mới đẻ trứng ổn định, anh Khiên sẽ bán số vịt đã già còn lại. Ông Nông Văn Bình – Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết: “Sau Tết, số lượng gia cầm, thủy cầm của địa phương giảm nhẹ, hiện còn khoảng 13.000 con. Nhiều hộ dân bắt đầu rục rịch tái đàn nhằm phục vụ cho nhu cầu Rằm tháng Bảy, tiếp theo đó là dịp cuối năm. Quang Thuận phấn đấu đến cuối năm 2022, tổng đàn gia cầm, thủy cầm của xã khoảng 15.000 con, được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”
Đến cuối tháng 2, tổng đàn gia cầm, thủy cầm của huyện là gần 277.000 con, đạt 98,8% kế hoạch, tăng khoảng 50.000 con so với cuối năm 2021. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, hiện tại thời tiết đang ấm dần lên thuận lợi để người dân, các gia trại tái đàn gia cầm, tuy nhiên người dân cần lưu ý thời tiết vẫn còn những đợt rét đậm và cần phòng, trừ một số loại bệnh cho gà, vịt, nhất là đối với những con non và già yếu. Năm 2022, huyện Bạch Thông đặt ra chỉ tiêu đàn gia cầm đạt gần 640.000 con, trong đó xuất bán, giết mổ khoảng 360.000 con. Chăn nuôi gia cầm vẫn là hướng phát triển kinh tế được nhiều người dân lựa chọn; tuy nhiên, hình thức chăn nuôi cũng cần được theo đổi theo hướng chăn nuôi tập trung quy mô gia trại và bảo đảm an toàn sinh học nhằm giảm thiểu rủi ro cho người dân./.
Đào Kiên