Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm
Huyện Bạch Thông có trên 8.400 hộ dân sinh sống tại 17 xã, thị trấn. Năm 2016 bình quân thu nhập khu vực nông thôn mới đạt 14,3 triệu đồng/người/năm, toàn huyện có trên 2.000ha đất sản xuất lúa 2 vụ, an ninh lương thực đảm bảo với bình quân lương thực đạt trên 550kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm qua giảm xuống còn 23,9%. Nhìn tổng thể Bạch Thông có nhiều thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, thời tiết khá thuận lợi, thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi.
Căn cứ vào đặc điểm đó, huyện đã quy hoạch và hình thành khá rõ nét các vùng kinh tế, trong đó mỗi vùng tương ứng với mỗi loại cây trồng khác nhau. Cụ thể như vùng xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong tập trung trồng cây ăn quả; các xã Cẩm Giàng, Nguyên Phúc, Quân Bình, Sỹ Bình phát triển rau màu, củ quả; các xã Tân Tiến, Phương Linh, Hà Vị, Vi Hương với cây lương thực có hạt; vùng xã Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn với cây công nghiệp ngắn ngày như thuốc lá, đậu tương, khoai lang… Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích phát triển đại gia súc, chăn nuôi dê ở các xã vùng cao như Sỹ Bình, Vũ Muộn, Mỹ Thanh, Đôn Phong. Năm 2016 huyện đã thực hiện được 460ha diện tích đất ruộng đạt giá trị 100 triệu đồng/ha trở lên; đầu tư trồng rừng mới được trên 700ha; phát triển đàn gia súc (trâu bò) lên gần 6.000 con, khoảng 4.000 dê và trên 20.000 con lợn.
Mặc dù đã có sự phân vùng rõ ràng trong việc hình thành các loại cây trồng nhưng trên thực tế, kinh tế nông lâm nghiệp trên địa bàn Bạch Thông còn chuyển biến chậm, giá trị sản phẩm làm ra còn manh mún, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều vùng sản xuất canh tác còn thủ công, thiếu tính bền vững, chưa mạnh dạn đầu tư, chủ động liên kết vì thế khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, rớt giá ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Nỗ lực thực hiện việc tái cơ cấu
Tập trung sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là nhân dân đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm. Có thể nói đây là nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong thời điểm huyện đang đẩy mạnh Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Đề án của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 vì thế các giải pháp phát triển nông lâm nghiệp đã được huyện hoạch định rõ ràng.
Nắm rõ chủ trương đó, trong 2 năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép khác nhau huyện Bạch Thông đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ cây con giống, vật nuôi đến người dân. Đặc biệt huyện còn sử dụng kinh phí hỗ trợ để nâng cao tiêu chí thu nhập cho 5 xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới 2016 – 2020 là Quân Bình, Cẩm Giàng, Quang Thuận, Tân Tiến, Phương Linh. Hiện tại đã có một số hợp phần sản xuất đang triển khai như mô hình chăn lợn Táp ná ở Nguyên Phúc, Sỹ Bình, Cao Sơn, Đôn Phong; mô hình phục tráng giống mơ vàng ở Mỹ Thanh, Đôn Phong; mô hình chuyển đổi lò sấy từ củi sang than đá ở Sỹ Bình, Vũ Muộn; cây mận sớm ở Cao Sơn, mô hình chuối nuôi cấy mô ở Mỹ Thanh, mô hình trồng cây dược liệu ở xã Hà Vị… hỗ trợ cho HTX nông nghiệp Nà Tu, xã Cẩm Giàng làm nhà lưới trồng rau; đầu tư, hỗ trợ cho HTX Bình Sơn (xã Sỹ Bình) tem dán, trụ sở làm việc, hướng dẫn quy trình về sản xuất rau an toàn.
Cùng với đó huyện còn khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đến hết tháng 10/2017 toàn huyện đã thành lập được 17 HTX, 10 tổ hợp tác, trong đó có 13 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Đối với cây lương thực, trong năm nay huyện còn thực hiện thành công hàng trăm héc-ta mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, mô hình cải tạo đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ, qua đánh giá năng suất từ các mô hình trên đều đạt khá.
Mô hình chăn nuôi thỏ của nhóm đoàn viên thanh niên xã Đôn Phong. |
Việc thực hiện tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu luôn được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Mục tiêu chính là góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Vì vậy huyện sẽ gắn trách nhiệm cho các chi đảng bộ, các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện mô hình sản xuất hiện nay; tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu thị trường; tập trung đầu tư cho 5 xã Cẩm Giàng, Quân Bình, Quang Thuận, Tân Tiến và Phương Linh để đạt và giữ vững tiêu chí thu nhập; tiếp tục chỉ đạo, ưu tiên hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, quan tâm đầu ra cho sản phẩm của các HTX; đăng ký, thực hiện diện tích đất ruộng có giá trị 100 triệu đồng/ha trở lên với các giống cây cho năng suất, chất lượng cao; phát triển vùng rau an toàn cung cấp cho thị trường Bắc Kạn; đầu tư thâm canh tăng năng suất cây ăn quả, tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng gia trại, trang trại; phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên trồng các loại cây gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng…
Hi vọng với những giải pháp đúng đắn cùng sự quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, bền vững, đảm bảo mục tiêu cải thiện chất lượng đời sống của người dân./.