5 năm thực hiện Đề án số 07 ngày 20/12/2017 của Tỉnh ủy, huyện Bạch Thông đã có nhiều nỗ lực để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập và tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Toàn cảnh lớp thứ nhất nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Từ năm 2021 trở về trước, mỗi lần Huyện ủy Bạch Thông tổ chức hội nghị quán triệt các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng là lãnh đạo chủ chốt của xã Cẩm Giàng lại cùng nhau về huyện. Lĩnh hội xong, Đảng ủy xã sẽ tổ chức hội nghị học tập, quán triệt những nội dung cốt lõi các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, của tỉnh, của huyện đến các chi bộ trong xã. Nhưng thời gian gần đây, việc tổ chức quán triệt, học tập và tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng tại xã Cẩm Giàng đã chuyển sang hình thức trực tuyến với nhiều lợi ích. Ông Vũ Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Giàng cho biết: “Đổi mới công tác quán triệt, học tập và tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo hình thức trực tuyến không chỉ giúp các địa phương tiết giảm thời gian, công sức, chi phí mà còn tăng cả lượng cán bộ, đảng viên được lĩnh hội trong mỗi hội nghị. Được các báo cáo viên cấp Trung ương, cấp tỉnh trực tiếp truyền đạt, phân tích sâu nội dung các chỉ thị, nghị quyết tạo niềm hứng khởi, tin tưởng của cán bộ, đảng viên tại cơ sở. Nhờ đổi mới hình thức quán triệt, học tập và tuyên truyền nên việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống cũng thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn”.
Từ năm 2021 đến nay, 14/14 xã, thị trấn và 5 cơ quan, đơn vị đã có điểm cầu trực tuyến, nhờ đó việc học tập các chỉ thị, nghị quyết được mở rộng đối tượng, thông tin nhanh hơn, sức lan tỏa rộng hơn, chất lượng tốt. Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Bạch Thông đã tổ chức hội nghị thông qua hình thức trực tuyến được 18 cuộc phục vụ 16.100 lượt người nghe. Sau học tập, quán triệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chỉ nghị, nghị quyết của Đảng; các chương trình, kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên những căn cứ thực tế, sát với nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: Sinh hoạt chi bộ, cuộc họp cơ quan, đơn vị, họp thôn, tổ dân phố; Cổng thông tin điện tử của huyện, tuyên truyền cổ động, cổ động trực quan, thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở…đồng chí Lường Văn Vương, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: “Sau 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã chủ động hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại địa phương, đơn vị; bảo đảm các văn bản từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được triển khai đầy đủ, đúng tiến độ thời gian theo lộ trình kế hoạch đề ra; chất lượng, hiệu quả của công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng ngày càng được đổi mới và nâng cao. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng đạt 95%, tăng 5% so với trước khi Đề án được ban hành. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy các giải pháp khắc phục những hạn chế gặp phải, nâng cao hơn chất lượng công tác quán triệt, học tập, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng”.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, học tập nghị quyết, các cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện Đề án, nhất là người đứng đầu tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị luôn phát huy tính tiên phong gương mẫu, đi sâu, đi sát trong việc triển khai, quán triệt học tập các chỉ thị, nghị quyết, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện./.
Đào Kiên