Bạch Thông chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc

Hiện nay đang là thời điểm bước vào đầu mùa rét, rút kinh nghiệm từ các năm trước để tránh những thiệt hại cho đàn gia súc, các địa phương trên địa bàn huyện Bạch Thông đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống rét cho đàn trâu bò.

Xã Nguyên Phúc là một trong những xã có số đàn gia súc khá lớn với hơn 400 con trâu, bò, với địa hình chủ yếu là đồi núi nên trước đây đại bộ phận người dân có thói quen thả rông trâu, bò, do vậy vào mùa rét xã Nguyên Phúc là một trong những xã có số  trâu bò bị chết khá lớn. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, số trâu bò bị chết rét đã giảm rõ rệt, bởi người dân luôn nêu cao ý thức trong việc phòng chống rét cho đàn gia súc, các hộ chăn nuôi  trâu bò trong thôn đều đầu tư chuồng trại và che chắn gió cẩn thận khi đêm xuống. Ở thời điểm vào đầu mùa rét như hiện nay thì người dân trong các thôn cùng chăn thả vào buổi sáng và đến chiều thì hộ nhau lùa trâu bò về chuồng, không thả rông trên đồi hoặc ngoài đồng. Ông Triệu Văn Khoa – Chủ tịch UBND xã Nguyên Phúc cho biết: Để chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, Xã đã chỉ đạo các thôn thống kê số lượng đàn gia súc trên địa bàn, tuyên truyền vận động người dân sửa sang chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn cho đàn trâu bò, không thả dông trâu bò khi thời tiết rét đậm, rét hại chỉ đạo trồng cỏ, ngô với mật độ dày để làm thức ăn bổ xung cho đàn vật nuôi. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bạch Thông có khoảng 4.600 con trâu, gần 900 con bò, gần 200 con ngựa… Những năm trước đây tại một số xã vùng cao như Đôn Phong, Lục Bình, Cao Sơn, Sỹ Bình, Vũ Muộn…. vẫn còn tình trạng một số gia súc bị chết rét xảy ra, do một bộ phận người chăn nuôi vẫn còn có tập quán canh tác chăn thả tự nhiên. Do vậy, rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, ngay từ đầu mùa rét năm nay, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng những kinh nghiệm hay về cách phòng chống rét cho gia súc từ cách làm của mỗi hộ gia đình để người dân học hỏi và làm theo. Chỉ đạo người dân khi thời tiết mưa rét phải nhốt gia súc trong chuồng để bảo vệ; che chắn kín xung quanh chuồng; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn tinh để trâu bò có đủ sức chống chịu với thời tiết do vậy đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân. Ông Nguyễn Văn Cửu, xã Tân Tiến cho biết: Sau khi thu hoạch lúa mùa gia đình đã phơi, dự trữ rơm rạ, khi thời tiết rét, tận dụng các loại thức ăn như cây chuối, bổ sung thức ăn tinh như cám, bột ngô cho trâu, che chắn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ khô ráo. Bên cạnh đó, để phòng tránh các dịch bệnh có thể phát sinh trong mùa đông, cơ quan chuyên môn cũng tích cực chỉ đạo các xã triển khai tiêm phòng vắc xin chống các loại bệnh truyền nhiễm cho gia súc, gia cầm, với tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90%. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và ngành chức năng, sự chủ động của mỗi người dân, mùa đông này Bạch Thông sẽ giảm thiểu được sự thiệt hại đối với đàn gia súc của huyện.